Giản dị, chân tình và đầy nhiệt huyết là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp những cán bộ trẻ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Bình Phước. Họ là những người tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn các xã vùng biên.
Phó Chủ tịch xã tuổi 25
Không sinh ra ở Bình Phước, nhưng Trịnh Thị Thu Phương (ảnh - 25 tuổi, người dân tộc Nùng) lại gắn bó mật thiết với mảnh đất Bình Phước. Sau 4 năm học ngành Công tác xã hội - Phát triển cộng đồng của Trường Đại học Đà Lạt, năm 2009, Thu Phương tình nguyện về làm cán bộ văn hóa - xã hội của xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn. Với năng lực và lòng nhiệt huyết, Phương nhanh chóng được nhân dân trong xã yêu mến, cấp trên tin tưởng và tín nhiệm. Sau một năm công tác, Phương được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã.
Khi được hỏi về động lực giúp Phương tình nguyện về với vùng đất khó khăn này, Phương tâm sự: “Tôi thấy cuộc sống của đồng bào cơ cực quá, có nhiều đất mà vẫn nghèo vì lối canh tác lạc hậu và thói quen bán đất ăn dần, nên tôi quyết tâm đi học để có kiến thức về phổ biến cho đồng bào mình thay đổi phương thức canh tác, làm ăn và nhanh chóng hội nhập với cuộc sống hiện đại”. Phương cho biết: Nhận thức của đồng bào mình còn thấp. Các phong tục, tập quán đã kìm hãm sự phát triển kinh tế. Để thay đổi được thói quen này, những người làm công tác xã hội cấp xã phải biết lắng nghe và hiểu được suy nghĩ của đồng bào. Phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào mới biết họ cần giúp đỡ điều gì, từ đó hướng họ sang con đường làm ăn hiệu quả.
Tranh thủ thời gian rỗi, Phương xuống tận thôn, bản nói chuyện, thăm hỏi và chỉ cho bà con cách sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh. Đối tượng vận động đầu tiên là ban lãnh đạo thôn, già làng, hội đồng già làng. Đây là lực lượng có uy tín nhất đối với bà con. Hình thức tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp dân, đêm văn nghệ hay tại các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể. Phương cho biết, phương pháp vận động hiệu quả là tận dụng những đêm văn nghệ, các cuộc họp thôn bản, thông qua hệ thống loa phát thanh của xã để lồng ghép các tiết mục, tiểu phẩm truyền tải đến bà con.
Theo thống kê của UBND xã Đắk Ơ, hiện nay xã đã có khoảng 50/1.085 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, gần 200 hộ có thu nhập 50 - 100 triệu đồng/năm. Năm 2011, tình trạng cầm cố đất đai, bán điều non trong đồng bào dân tộc thiểu số không còn nữa.
Cán bộ xóa đói giảm nghèo năng động
“Điểu Ben là cán bộ người S’tiêng. Dù không được học hành đầy đủ nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết và sự cố gắng không ngừng, Điểu Ben đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của xã”. Đó là lời nhận xét của ông Phạm Thanh, Chủ tịch xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập khi nói về Điểu Ben (25 tuổi) - một cán bộ làm công tác XĐGN năng động của xã.
Điểu Ben tâm sự: “Tôi cùng chính quyền xã phân loại hộ nghèo, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo như Chương trình 134, 135; các dự án hỗ trợ nhà ở cùng các chính sách khác của Ban dân tộc tỉnh”. Ngoài ra, Ben còn trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo và làm công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về các giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Điểu Ben cho biết, “làm công tác XĐGN ở đây hết sức vất vả, vì xã Bù Gia Mập là xã vùng biên, địa bàn rộng, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc điều tra hộ nghèo vất vả lắm, phải tranh thủ lúc bà con ở nhà, vì ban ngày bà con đi làm hết. Thời điểm điều tra thường tập trung vào tháng 9, tháng 10 là thời điểm mùa mưa nên việc đi lại khó khăn. Công tác điều tra khá phức tạp vì hộ nào cũng muốn được nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ. Tôi phối hợp với Hội đồng già làng và người dân xung quanh để tìm hiểu, đánh giá một cách chính xác, nhằm tránh thắc mắc, đồng thời có cơ sở giúp họ thực sự thoát nghèo hiệu quả”.
Có thể nói, trong sự đổi thay, phát triển của các xã miền núi tỉnh Bình Phước, có đóng góp không nhỏ của những cán bộ xã như Thu Phương, Điểu Ben...Bài và ảnh:
Đậu Tất Thành