Nhiều dự án tái định canh, định cư không hiệu quả

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, tổng nguồn vốn đầu tư định canh, định cư (ĐCĐC) theo kế hoạch năm 2011 - 2012 của tỉnh này là 30 tỷ đồng.

 

Từ nguồn vốn đó, tỉnh đã đầu tư 5 dự án ĐCĐC tập trung gồm: Ka Lu - Chân Rò (xã Đakrông), Pi Rao (xã A Ngo) của huyện Đakrông; Ra Heng (xã Húc), Cu Vơ (xã Hướng Linh) huyện Hướng Hóa và Sông Ngân, xã (Linh Thượng) huyện Gio Linh. Năm 2013, Trung ương tiếp tục phân bổ thêm gần 7,4 tỷ đồng, gồm 6,8 tỷ đồng để đảm bảo đầu tư các hạng mục công trình thuộc 4 điểm ĐCĐC còn dở dang là Ka Lu - Chân Rò, Ra Heng, Cu Vơ, Sông Ngân và 560 triệu đồng để đầu tư khởi công mới 3 điểm ĐCĐC khác.

 

Một góc khu tái định cư Pi Rao.


Riêng huyện miền núi Đakrông được thụ hưởng 2 dự án nhưng đều không hiệu quả. Với tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, khu tái định cư Ka Lu - Chân Rò trên địa bàn được quy hoạch 70 hộ dân, nhưng hiện mới xây dựng 30 nhà cùng hệ thống điện, đường, trường. Đến tháng 5/2014, toàn khu tái định cư mới có 19 hộ nhận nhà, còn 11 nhà khác đang bỏ hoang vì các hộ không nhận nhà do thiếu đất sản xuất.


Anh Hồ Ra Mi ở thôn Vùng Kho là hộ thuộc diện tái định cư (TĐC) ở Ka Lu - Chân Rò. Khi nghe tin Nhà nước cho xây dựng khu TĐC, gia đình anh đã tự nguyện đăng ký vì được tuyên truyền sẽ được cấp nhà, 2 sào ruộng và 1 mẫu đất sản xuất cùng trợ cấp lương thực trong 6 tháng đầu tiên tại nơi ở mới. Tuy nhiên, nhà TĐC đã hoàn thành nhưng gia đình anh Mi không thể dọn đến ở vì chưa được cấp đất sản xuất.


Chung hoàn cảnh với gia đình anh Mi, hộ anh Hồ Ta Hách cũng thất vọng: “Chúng tôi là những hộ dân đang cần nơi ở, cần đất sản xuất nên mới đăng ký vào khu TĐC. Nhưng ở Ka Lu - Chân Rò không có đất thì chúng tôi không thể sinh sống lâu dài được. Không biết đến khi nào mới có đất nên tôi phải vay ngân hàng 20 triệu đồng về mua một con bò”.


Phó Chủ tịch UBND xã ĐaKrông Hồ Thanh thừa nhận: “Khu TĐC Ka Lu - Chân Rò hiện không có đất để cấp cho các hộ vì hầu hết diện tích đất ở đó đều đã có chủ, nên không thể thu hồi để cấp cho các hộ TĐC. UBND xã đã triệu tập nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa có kết quả. Nếu quá trình vận động, thuyết phục, thậm chí bồi thường không mang lại kết quả thì đành phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang sử dụng đất canh tác”.


Dự án ĐCĐC ở thôn Pi Rao, xã A Ngo có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng, được khởi công năm 2008 và hoàn thành vào năm 2012 để ĐCĐC cho 70 hộ dân. Ngoài xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án còn hỗ trợ khai hoang 42,8 ha đất sản xuất. Sau gần 2 năm dự án hoàn thành hiện chỉ có 42 hộ sinh sống, 28 hộ còn lại đã về nơi ở cũ do không có nguồn nước sinh hoạt và chưa hình thành chính quyền cấp thôn.


Phó Chủ tịch HĐND xã A Ngo, Hồ Văn Lập kiêm thành viên của Tổ tự quản Dự án TĐC thôn Pi Rao chia sẻ: “So với nơi ở cũ thì Pi Rao có đất sản xuất nên cuộc sống tạm ổn định. Tuy nhiên, do chưa có chính quyền cấp thôn nên người dân chịu thiệt thòi trong việc thụ hưởng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vay vốn sản xuất... Đặc biệt là không có nước nên sinh hoạt gặp nhiều khó khăn”.


Dự án đã xây dựng trường học nhưng do số lượng học sinh không đủ nên hàng ngày phụ huynh phải đưa con về trường học gần nơi ở cũ. Anh Hồ Văn Lập dẫn chúng tôi ra những ngôi nhà bỏ hoang rồi rành rọt chỉ dẫn: “Đây là nhà của hộ ông Hồ Văn Khanh, Côn Hiên và Nguyễn Xuân Thanh... Đó là 3 trong số 28 hộ gia đình đã không nhận nhà do Nhà nước đầu tư vì những nhu cầu về lợi ích thiết thực của cuộc sống chưa được đáp ứng”.


Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho rằng: Việc khảo sát thực địa chưa kỹ nên dẫn đến tình trạng thiếu đất, thiếu nước ở các khu TĐC. Khu tái ĐCĐC Pi Rao không thành lập được chính quyền thôn do quy định phải có đủ 100 hộ mới thành lập. Để giải quyết nước sinh hoạt, huyện đã kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ 70 tẹc chứa nước để giúp người dân tích trữ nước. Riêng khu tái định cư Ka Lu - Chân Rò, huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát lại diện tích đất, thống kê số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số hộ đang canh tác, từ đó vận động người dân giao lại đất cho huyện.


Hơn lúc nào hết người dân ở các khu TĐC mong muốn tỉnh Quảng Trị và các ngành chức năng sớm khắc phục những bất cập, khó khăn để họ được an cư lạc nghiệp và không để lãng phí suất đầu tư nhằm phát huy hiệu quả các dự án ĐCĐC của tỉnh nói chung và huyện Đakrông nói riêng.


Bài và ảnh:Trần Tĩnh

Chưa yên tâm với chính sách tái định cư
Chưa yên tâm với chính sách tái định cư

Hàng loạt những bất cập trong chính sách về giá bồi thường, giá mua nhà tái định cư cũng như môi trường, điều kiện sinh sống... đã khiến người dân gặp khó khăn sau tái định cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN