Nhiều giải pháp giảm tai nạn lao động

Tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn có xu hướng tăng do nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động.


Hơn 500 lao động tử nạn mỗi năm


Cuối tháng 2/2014, tại chung cư cao tầng ở khu dân cư Hiệp Thành 3 (phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) rất thương tâm. Hai công nhân bị rơi xuống đất từ độ cao hàng chục mét và thiệt mạng là Lê Thị Mỹ (sinh năm 1961, quê Đồng Tháp) và Huỳnh Văn Dĩ (sinh năm 1996, quê An Giang). Điều tra sơ bộ cho thấy, trong quá trình kéo gạch lên tầng 8 để xây dựng, cáp bị đứt và va vào giàn giáo dẫn đến bị sập, kéo cả những công nhân đang làm việc ở trên tầng cao rơi xuống.

 

Các thợ lau kính thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.Ảnh: Lê Phú

 


Điều đáng nói, những vụ TNLĐ gây nên những hậu quả đau lòng như trên đang có xu hướng ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2013, cả nước xảy ra gần 6.700 vụ TNLĐ, khiến gần 7.000 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ gây chết người là 562 vụ. Đặc biệt, số vụ TNLĐ có 2 người bị thương nặng trở lên tăng tới 19%. Những lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người gồm: xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện, chế tạo cơ khí. Về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chết người, có đến 59% là do người sử dụng lao động và 26% do người lao động.


Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ cho thấy, việc đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân. Trong số vụ TNLĐ có tới 22% số vụ có thiết bị không đảm bảo an toàn cho người lao động, 18% người lao động không tuân thủ quy trình. Những con số này đã phản ánh công tác thanh, kiểm tra, xử lý những vi phạm ATLĐ mang tính phòng ngừa của ngành LĐTBXH chưa nghiêm, thiếu hiệu quả.


Lý giải về vấn đề này, đại diện thanh tra Bộ LĐTBXH thừa nhận: “Lực lượng thanh tra lao động trên cả nước hiện có khoảng 100 người và không thể kiểm tra được tất cả các doanh nghiệp”.


Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các quy định đảm bảo ATLĐ lại đành phải trông đợi sự tự giác của các đơn vị và chủ sử dụng lao động cũng như ý thức tự bảo vệ mình của người lao động. Điều ngày cũng có nghĩa sẽ khó ngăn ngừa TNLĐ tại những nơi mà chủ sử dụng lao động vì lợi nhuận, coi thường tính mạng người lao động, cố tình cắt xén chi phí đầu tư cho ATLĐ, trang bị bảo hộ lao động.


Sẽ thanh tra những lĩnh vực “nóng”


Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH, để góp phần ngăn chặn việc xảy ra những vụ TNLĐ đáng tiếc, Bộ LĐTBXH đã và đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố, nhất là những địa phương có nhiều khu công nghiệp như Quảng Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... tăng cường thanh tra ATLĐ.

“Hầu hết các vụ TNLĐ nghiêm trọng năm 2013 vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có hình thức xử lý; hiện tại, chỉ có 3 vụ chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan”.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động


Năm 2014, Thanh tra Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tập trung thanh tra lĩnh vực khai thác khoáng sản, điện, xây dựng, là những lĩnh vực thường xuyên xảy ra TNLĐ. Trong năm 2013, thanh tra Bộ LĐTBXH tập trung thanh tra ATLĐ tại 100 doanh nghiệp ngành than khoáng sản và đưa 740 kiến nghị khắc phục ATLĐ; ban hành 16 quyết định và xử phạt hơn 276 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH thanh tra đột xuất hoạt động khai thác đá của 8 đơn vị tại tỉnh Thanh Hóa và đề xuất 700 kiến nghị, xử phạt 300 triệu đồng...


Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, giám sát công tác đảm bảo ATLĐ tại các doanh nghiệp, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng phòng ngừa lao động cho chính người lao động, đặc biệt là lao động lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đây là lực lượng chiếm khoảng 60% lao động cả nước.


Để nâng cao nhận thức ATLĐ cho những lao động nông thôn, những người không có nhiều kiến thức về ATLĐ, thời gian tới, Cục ATLĐ cho phép hình thành các trung tâm huấn luyện kỹ năng theo phương châm xã hội hóa dựa trên các tiêu chí: Cơ sở vật chất, thiết bị, giảng viên, tài liệu huấn luyện.
“Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, việc doanh nghiệp chủ động giám sát, triển khai công tác ATLĐ giữ vai trò rất quan trọng. Ví dụ, nếu làm đúng quy định, tại công ty than A. có khoảng 2.000 - 3.000 lao động, sẽ có vài chục cán bộ về ATLĐ. Những cán bộ này sẽ là lực lượng chính trong việc trang bị kỹ năng ATLĐ, kiểm tra, phát hiện ngăn ngừa TNLĐ tại nơi làm việc”, ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh.


Bộ LĐTBXH cũng đang xây dựng dự thảo Luật Vệ sinh ATLĐ, trong đó, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu đơn vị, lãnh đạo tỉnh để xảy ra nhiều vụ TNLĐ. “Hiện vẫn chưa có chế tài nào cụ thể với địa phương mà mới chỉ đưa vào tiêu chí khen thưởng hàng năm. Việc quy trách nhiệm cũng mới chỉ giới hạn ở lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, khi quy trách nhiệm cho các lãnh đạo địa phương thì việc đảm bảo ATLĐ, ngăn ngừa TNLĐ có thể sẽ đạt hiệu quả hơn”, ông Hà Tất Thắng cho biết.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN