Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thủy văn, năm 2013 là năm có nhiều kỷ lục về thiên tai: Mưa bão nhiều với cường độ lớn; đỉnh lũ trên nhiều sông phá kỷ lục của hàng chục năm trước; mới vào đầu mùa đông đã xuất hiện mưa tuyết. Hậu quả mà thiên tai gây ra trong năm qua khiến cả ngàn người chết và mất tích, thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.
Năm có nhiều bão nhất
Theo TS. Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2013, thiên tai diễn biến hết sức phức tạp và bất thường. Bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Những trận bão vào cuối mùa có cường độ mạnh, đi ngược với quy luật.
Cảnh ngập lụt ở phố cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế vào ngày 17/11/2013.Quốc Việt - TTXVN |
Trong năm qua, có 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đáng lưu ý, các cơn bão số 10, 11, 14 và 15 đổ bộ trực tiếp, liên tiếp vào các tỉnh miền Trung vào tháng 10 và tháng 11 gây mưa lũ đặc biệt lớn, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê, năm 2013 là năm có số lượng cơn bão hoạt động trên Biển Đông và đổ bộ vào nước ta nhiều nhất từ trước tới nay.
Ngay những ngày đầu tiên của năm 2013 đã xuất hiện bão số 1, trong tháng 2 lại có áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông gây ra các đợt mưa trái mùa làm thiệt hại nặng nề cho các tỉnh vùng ĐBSCL.
“Vừa qua, một số hồ thủy lợi, thủy điện phải xả lũ, vùng hạ lưu bị ngập úng gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc xả lũ của các hồ khi mưa lớn vượt quá khả năng tích nước là điều bất khả kháng. Để tránh thiệt hại cho người dân, cần phải xây dựng hệ thống cảnh báo và có quy chế thực hiện cảnh báo, chỉ đạo hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng tránh. Mặt khác, về lâu dài, phải quy hoạch dân cư vùng hạ du, tạo hành lang thoát lũ an toàn”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát |
Ở Bắc Bộ đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, trong đó, các đợt mưa tháng 5, trung tuần tháng 7, đầu tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là trận lũ quét xảy ra vào tháng 9 tại Sa Pa, Lào Cai. Lũ lớn cũng đã xuất hiện trên hệ thống sông Thái Bình sau nhiều năm không có lũ. Toàn bộ các hồ chứa lớn như Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chác, Cấm Sơn, Núi Cốc... và các hồ chứa vừa đã phải nhiều lần xả lũ.
Trên 200 đợt dông, lốc, sét, mưa đá
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông mạnh kèm theo sét và lốc xoáy, mưa đá với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, quy mô lớn đã xảy ra ở nhiều nơi. Có địa phương trong năm qua xảy ra 4 - 6 đợt như Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An... Trong đó, trận lốc xoáy kèm theo mưa đá hồi tháng 3 gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua.
Người dân xã miền biển Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đào hầm tránh siêu bão số 14. Nguyễn Sơn - TTXVN |
Triều cường cao nhất 60 năm qua
Triều cường tại các tỉnh phía Nam làm nhiều khu vực thấp trũng bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Đỉnh triều trên sông Sài Gòn đạt tới mức 1, m - mức cao nhất trong vòng 60 năm qua.
Năm 2013, thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích, 1.150 người bị thương; 6.400 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; trên 692.000 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 88,2 km đê, kè và 894 km đường giao thông cơ giới bị vỡ, sạt lở; gần 8.000 cột điện gãy, đổ; hơn 17.000 ha lúa và 20.000 ha hoa màu bị mất trắng; gần 117.000 ha lúa và 154.000 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 ước tính gần 30.000 tỷ đồng (năm 2012 thiệt hại 15.000 tỷ đồng; năm 2011 là 12.700 tỷ đồng). Khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ đã hỗ trợ, tạm ứng cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ giống cây trồng với tổng kinh phí 1.159 tỷ đồng và 9.786 tấn gạo. |
Lũ lớn ở miền Trung và Tây Nguyên
Bão số 10 được hình thành trên Biển Đông vào những ngày cuối tháng 9. Chiều tối 30/9, tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, gây gió giật đến cấp 14 và mưa lớn tại các tỉnh Trung Trung Bộ, với lượng mưa lên đến 400 - 500 mm. Nhiều huyện thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An bị ngập sâu.
Cơn bão số 11 hình thành từ phía Đông Philppines vào trung tuần tháng 10. Đến sáng 15/10, tâm bão đổ bộ vào địa phận hai tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam gây gió giật trên cấp 12. Bão gây mưa lớn tại các tỉnh Trung Trung Bộ, trong đó các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có lượng mưa phổ biến từ 430 - 530 mm. Các sông ở miền Trung và Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ lớn. Đỉnh lũ nhiều sông ở trên báo động 3. Mưa lớn, lũ cao đã khiến nhiều huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chìm trong nước.
Siêu bão mạnh nhất trong lịch sử
Cơn bão số 14, trước khi đổ bộ vào nước ta được biết với cái tên Haiyan, một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Cơn bão này có gió giật trên cấp 17, đường đi lại rất phức tạp. Theo dự báo ban đầu, bão đổ bộ vào miền Trung, nhưng sau khi vào giữa Biển Đông, siêu bão này đổi hướng ra vịnh Bắc Bộ với đường đi song song và cách bờ biển miền Trung 200 - 300 km. Đến 2 giờ sáng 11/11, siêu bão đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó tiếp tục chuyển hướng và tiến sâu vào khu vực phía Nam Trung Quốc.
Bão ngắn, mưa dài
Bão số 15 có “tuổi thọ” rất ngắn nhưng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo đó, ngày 13/11, một áp thấp nhiệt đới vượt qua Philippines vào đông nam Biển Đông. Tối 14/11, áp thấp này mạnh lên thành bão, nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ, cơn bão này lại suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Do ảnh hưởng của cơn bão này, trong các ngày 14, 15 và 16/11, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hứng chịu một đợt mưa to khủng khiếp. Trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ lớn, với đỉnh lũ phổ biến ở mức trên báo động 3. Đặc biệt, đỉnh lũ tại sông Trà Khúc cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới gần nửa mét. Tại sông Vệ, đỉnh lũ ở mức 6,03 m, cũng cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Tại Sông Ba, đỉnh lũ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1981 tới gần 1,7 m.
Tuyết rơi bất thường vào tháng 12
Từ trung tuần tháng 12, thời tiết tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng diễn biến phức tạp, ngay từ đầu vụ đã có dấu hiệu cực đoan: Băng giá, sương muối, tuyết, rét đậm, rét hại. Theo ông Lê Thanh Hải, mưa tuyết xảy ra vào tháng 12 là hiện tượng hiếm gặp (từ năm 1961 đến nay mới lặp lại). Theo quy luật, tuyết thường rơi vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2.
Nhận định về diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, trái quy luật, TS. Lê Thanh Hải cho biết: Các hiện tượng thời tiết có thể diễn ra theo chu kỳ, nhưng cũng có khi không vì về bản chất, khí hậu không có tính ổn định. Do đó, những hiện tượng bất thường có thể xảy ra, vượt ra ngoài tầm dự báo. Theo nhận định ban đầu, năm 2013 lập kỷ lục mới về số cơn bão vào Biển Đông và hoạt động tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương có thể là hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Huyền Tím