Cùng với những chính sách đầu tư phát huy hiệu quả, người dân Khmer cũng đã thay đổi tập quán sản xuất và nhiều mô hình làm ăn hiệu quả.
Thoát nghèo từ trồng màu
Nhìn ngôi nhà khang trang và bầy bò 5 con trong gia đình anh Thạch Là - ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (Trà Vinh), ít ai có thể hình dung cơ nghiệp này được khởi đầu từ số tiền 7 triệu đồng của chương trình “xóa nghèo bền vững”. Anh Thạch Là nhớ lại, đầu năm 2008, khi được vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ xóa nghèo để trồng màu, anh đã đầu tư trồng 2 công đậu phộng. Dù được vay 7 triệu đồng nhưng tổng chi phí đầu tư lên đến 8 triệu đồng, anh phải chạy vay thêm bên ngoài. May mắn, sau 2,5 tháng, anh thu hoạch được 24 triệu đồng, lãi 16 triệu đồng. Số tiền lãi này anh tiếp tục đầu tư cho 3 công đất trồng màu, trồng bắp, khoan giếng lấy nước… Và mở rộng diện tích lên đến 5 công. Tiền lãi thu được từ việc làm màu, anh Là đầu tư mua một con bò nái và một con heo nái. Sau hơn 5 năm trồng màu từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, trong tay anh giờ đã có đàn bò 5 con, heo nái, và 5 công màu mỗi vụ thu lãi trên 34 triệu đồng.
Trồng ớt, trồng màu - những mô hình thoát nghèo của nông dân Khmer. |
Mô hình trồng màu cũng phát triển mạnh ở nhiều nơi của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Nhờ áp dụng thành công mô hình sản xuất 1 vụ tôm, 1 vụ lúa kết hợp với trồng màu trên đất bờ bao mà cuộc sống của người dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên như Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú đã được cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hộ gia đình anh Lê Thành Ai và chị Đinh Thị The, ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú là một ví dụ. Anh chị tận dụng gần 2.000 mét vuông trên đất bờ ruộng, đất trống quanh nhà để trồng các loại cây màu như dưa leo, khổ qua, ớt, đậu xanh… Trừ chi phí mỗi năm, gia đình anh chị có lãi trên 30 triệu đồng. Anh Lê Thành Ai phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng màu khoảng 6 năm nay rồi, thấy hiệu quả rất cao, thu nhập ổn định hơn lúc trước”.
Tương tự, nhiều nông dân Khmer ở xã Phú Mỹ cũng rất thành công khi áp dụng các biện pháp khoa học vào việc trồng màu. Toàn xã Phú Mỹ có trên 200 ha màu trồng các loại, được trồng luân canh, xen canh áp dụng màng phủ nông nghiệp, IPM cho cây màu, bón phân cân đối, phân sinh học, sử dụng thuốc bón đúng và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ông Lương Minh Quyết - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Xác định trong thời gian tới, cây màu trên vùng tôm lúa là cây chủ lực, góp phần cùng con tôm và cây lúa mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Thực tế đã chứng minh, những hộ thu nhập từ trồng màu trên 100 triệu đồng, có hộ thu nhập cao hơn tôm và lúa cộng lại. Do đó, Huyện ủy và UBND huyện sẽ chỉ đạo các địa phương nâng diện tích trồng màu, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm”.
Làm giàu từ bò sữa
Ông Đào Duy Sự, Phó chánh văn phòng sở NN&PTNN tỉnh Sóc Trăng nói: Toàn tỉnh hiện nay đã có khoảng hơn 1.000 xã viên mà phần đông là đồng bào Khmer tham gia nuôi bò theo mô hình của HTX EverGowth, với mức thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/ năm/1 con bò. So sánh với trồng lúa thì 1 con bò sữa cho thu nhập tương đương với 1 ha lúa/năm.
Ông Diệp Thuận Long, một nông dân nuôi bò sữa ở ấp Đại Ân xã Đại Tâm (Sóc Trăng) cho chúng tôi biết, việc chuyển sang nuôi bò sữa đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống cơ cực trước đó của gia đình ông. Tại thời điểm chúng tôi đến, gia đình ông chỉ còn nuôi 2 con bò sữa. Trung bình mỗi ngày có thể thu 30 lít sữa, tương đương 360 nghìn đồng. Ngoài nguồn thu từ sữa, bò mẹ còn sinh sản hàng năm. Với 1 con bò sữa lúc khởi đầu dự án, đến nay đàn bò của gia đình ông có lúc lên đến 8 con.
Nhiều nông dân ở xã Phú Mỹ - Sóc Trăng đang áp dụng mô hình nuôi kết hợp với bò lai sind để tận dụng tối đa nguồn thức ăn một cách hiệu quả. Anh Lý Tâm, một người Khmer ở ấp Bưng Cốc cho biết: "Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, từ khi nhận nuôi một bò sữa và sau đó vay được ngân hàng để mua thêm 2 con bò lai sind, gia đình tôi đã thoát nghèo, có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm".
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, một trong những kết quả quan trọng của nghề chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng là đã cải tiến và quản lý tốt nguồn giống bò sữa thông qua việc áp dụng công nghệ sản xuất, nhân giống bằng gieo tinh nhân tạo. Chính vì vậy, năng suất sữa của bò lai HF đã tăng từ 2.160 kg/con/chu kỳ cho sữa vào năm 2005 lên 3.660 kg/con/chu kỳ cho sữa vào cuối năm 2012. Phương thức và công nghệ chăn nuôi bò sữa cũng được cải tiến đáng kể thông qua hệ thống chuồng trại, vắt sữa, thu gom và bảo quản sữa, các vật tư kỹ thuật phục vụ nhân giống được tăng cường cho các địa phương.
Sau hơn 9 năm triển khai mô hình nuôi bò sữa từ dự án từ nguồn tài trợ “Nâng cao đời sống nông thôn” do phía CIDA (Cơ quan phát triển Quốc tế Canada), hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn ở ĐBSCL. Từ 477 con vào năm 2004, tính đến nay, tổng đàn bò sữa của tỉnh đã trên 3.500 con với lượng sữa bình quân mỗi ngày khoảng 16,5 tấn. Theo Ông Trần Hoàng An, Giám đốc điều hành của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp EverGowth, hiện nay, HTX mua sữa tươi của các thành viên với mức 12.000 đồng/kg và cung cấp thức ăn tinh trả chậm với giá thấp hơn thị trường nên đảm bảo mức lợi nhuận bình quân từ 45-50 triệu đồng/con/năm. Đây chính là cơ hội để Sóc Trăng tăng đàn vì nhu cầu thị trường còn rất lớn.
H.L