Nhiều mô hình phát huy hiệu quả vốn vay chính sách

Nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ đã được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai về các địa phương mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa.

Hỗ trợ người dân vượt lũ

Mùa lũ năm nay nước dâng cao như mốc lịch sử năm 2000, nhưng ai có dịp đến các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở tỉnh Long An mới thấy hết giá trị của hai chữ "an cư". Nhờ cụm, tuyến được tôn cao, nên cuộc sống của bà con sôi động trong mùa lũ. Người thì mang lưới trên vai, người thì gánh lợp, mang câu, lộp, trúm ung dung ra đồng giăng đặt trúm, lộp bắt cá để cải thiện cuộc sống, không phải lo toan kê kích nhà cửa, sơ tán tài sản chạy lũ.

Tính đến ngày 30/11/2011, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã đạt hơn 114 tỷ đồng với 13.600 hộ gia đình vay vốn. Nguồn vốn này đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Trong ảnh: Giao dịch lưu động tại xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu) đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.


Anh Nguyễn Văn Tài, ở xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: Năm 2005, gia đình anh được xã ưu đãi bán cho nền nhà ở cụm dân cư vượt lũ Thái Trị và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho vay tiền mua vật tư cất nhà 10 năm sau mới trả dần. Giờ đây, khi lũ lớn về, anh ung dung ra đồng giăng lưới thả câu bắt cá, mỗi ngày kiếm được 10-15 kg cá, bán cũng được vài trăm ngàn không phải lo toan vất vả chạy lũ.

Anh Lê Văn Tám, ở xã Thạnh Hưng, huyện Mộc Hóa, cũng phấn khởi cho biết, ở cụm dân cư vượt lũ Thạnh Hưng năm nay gia đình anh không phải chạy lũ, ổn định cuộc sống. Từ đầu mùa lũ đến nay, anh còn ra đồng bắt cá cải thiện cuộc sống trong mùa lũ.

Hiện nay, tỉnh Long An đã xây dựng 186 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đến nay tỉnh cũng đã giao nền cho hơn 27.000 hộ, nhưng hiện mới có hơn 16.000 hộ vào cất nhà ổn định cuộc sống. Số còn lại bà con vẫn chủ quan thấy mấy năm qua lũ về nhỏ, nên nhận nền nhà rồi bỏ đó không chịu vào xây nhà.

Phụ nữ vay vốn để giảm nghèo

Hỗ trợ phụ nữ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng, xuyên suốt của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long.

Là địa bàn ngoại ô của thành phố Vĩnh Long, phường 3 tuy có diện tích rộng, dân số đông nhưng mặt bằng dân trí không đồng đều. Phần lớn các chị em phụ nữ sinh sống bằng nghề làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt và mua bán nhỏ, đời sống kinh tế gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn, nhiều chị lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, túng quẫn.

Hội Phụ nữ phường đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật như trồng rau an toàn, rau mầm, nuôi rắn ri voi, cá rô đồng, cá bóng tượng... theo xu hướng nông nghiệp đô thị.

Để các mô hình này thực hiện đạt hiệu quả, Hội đã giới thiệu cho chị em hội viên vay vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời vận động thành lập 36 tổ xoay vòng vốn, tổ tiết kiệm để hỗ trợ vốn cho các chị em. Với số tiền vốn 1,1 triệu đồng đến 6 triệu đồng mỗi tháng từ nguồn vốn xoay vòng đã kịp thời giúp cho các chị em có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất, riêng đối với các chị em mua bán nhỏ thoát khỏi tình trạng phải vay nặng lãi như trước đó. Từ phong trào này, Hội Phụ nữ phường 3 không chỉ giúp chị em hội viên thoát nghèo bền vững mà một số hội viên đã vươn lên khá giàu, tính từ năm 2006 đến nay, Hội đã có 153 hộ thoát nghèo bền vững.

Không chỉ ở thành phố Vĩnh Long, hầu hết các cấp Hội phụ nữ cơ sở trong toàn tỉnh Vĩnh Long đều thành lập được các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn. Tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Tân, Hội phụ nữ đã hình thành nên các mô hình se lỏi lát, đan giỏ nilon, đan thảm lục bình, đan găng tay, tách hạt điều..., góp phần giải quyết nguồn lao động nông nhàn tại địa phương và tăng thêm nguồn thu nhập cho hội viên.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay, công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quan tâm thực hiện đạt hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, đã có 4.900 chị em được giới thiệu việc làm ổn định.

Những mô hình và chính sách hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đã và đang phát huy hiệu quả ngày một sâu rộng. Điều ghi nhận qua các hoạt động hỗ trợ là từng chị em phụ nữ đã có ý thức và quyết tâm vươn lên, dám đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Từ đây, nhiều chị em đã thoát nghèo, tích cực tham gia xây dựng đời sống mới, khẳng định và nâng cao vai trò người phụ nữ.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN