Khi những vần thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vang lên, tất cả đều rưng rưng xúc động, ký ức về Điện Biên, về những người lính năm nào như được tái hiện... Đó là những ấn tượng đặc biệt về Ngày thơ 2014, được tổ chức đúng rằm tháng Giêng (ngày14/2), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Khơi gợi tinh thần yêu nước
Theo một đại diện của Ban tổ chức: “Năm 2014 là năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; vấn đề Biển Đông cũng là vấn đề đang được quan tâm. Do đó, việc chọn chủ đề “Mùa xuân đất nước, từ Điện Biên tới Trường Sa” là rất thời sự, nâng cao lòng tự hào về truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, trách nhiệm của công dân trước vận mệnh của đất nước, đặc biệt với chủ quyền biển đảo. Vậy nên, việc chọn chủ đề chính là một trong những điểm mới của Ngày thơ 2014”.
Trình diễn tại Sân thơ trẻ. |
Năm nay, Ban tổ chức vẫn tổ chức thành hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là các tiết mục đọc thơ và văn nghệ, Ngày thơ năm nay còn có chương trình giao lưu với các tác giả, nghệ sĩ đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, như nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Hoàng Vân… Ngoài ra, sự tham gia của các đoàn nghệ thuật từ nhiều địa phương như hát quan họ Bắc Ninh, tiết mục múa H’Mông của tỉnh Hà Giang… cũng đã mang tới cho Ngày thơ 2014 những sắc màu dân gian sống động.
Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức còn mở rộng thêm khu vực quán thơ của Hội nhà văn ra phía công viên, khu vực sau Văn Miếu, để tạo cơ hội nhiều hơn cho các câu lạc bộ thơ được tham gia và trình diễn thơ. Cách bố trí như vậy không chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia mà còn giãn lượng khách trong sân Văn Miếu, tránh được tình trạng quá tải trong khu vực sân khấu chính.
Ấn tượng với Sân thơ trẻ
Tại Ngày thơ 2014, Sân thơ trẻ có khoảng 30 câu lạc bộ thơ văn và 6 trường đại học trên địa bàn Hà Nội (Đại học Cảnh sát, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Đại Nam…) tham gia giao lưu, đọc thơ và giới thiệu các ấn phẩm văn học.
Với cách chọn chủ đề “Từ Điện Biên đến Trường Sa” nằm trong chủ đề chung là “Mùa xuân đất nước”, Sân thơ trẻ 2014 được dàn dựng theo 4 tổ khúc gồm: Mùa xuân vỗ cánh, Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân, Xuân trầm tích và Xuân của mẹ. Các phần trình diễn thơ, nhạc tại Sân thơ trẻ đều tập trung vào chủ đề chính, từ hình ảnh những chàng lính đảo với lòng hăng hái quên mình vì Tổ quốc đến đôi lứa gặp lại sau chiến tranh... Do đó, đã tạo được ấn tượng đặc biệt và nhiều cảm xúc đối với những người yêu thơ.
Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam cũng chia sẻ: “Sân thơ trẻ năm nay có chủ đề rõ ràng và làm được đúng như chủ đề đã chọn; các tiết mục trình diễn kết hợp thơ, nhạc, múa, hình thể... được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hơn năm ngoái rất nhiều”.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, cách trình bày các quán thơ ở Sân thơ trẻ năm nay cũng khá sáng tạo. Quán thơ các tỉnh được trang trí bằng sản vật quê hương. Riêng Đại học Đại Nam đăng ký diện tích tương đương 2 quán thơ để trình bày ý tưởng của mình về lịch sử dân tộc và trưng bày hình ảnh, hiện vật về quê hương đất nước, gồm có Nhà lá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên, chùa Một Cột và cột mốc của Trường Sa. Đặc biệt, trên phông nền còn in hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những câu thơ để tưởng nhớ đến Người. Đây là quán thơ được đông người tới tham quan, chụp ảnh kỷ niệm nhất.
Tạ Nguyên