Nhiều thủ đoạn “lách” kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 70

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép, lực lượng liên ngành gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành cân xe trên quốc lộ 70 tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ ngày 1/6. Trong 10 ngày đầu thực hiện, tổ công tác đã xử phạt 65 trường hợp vi phạm. Hiện nay, lưu lượng xe tải và số xe chở quá tải chạy qua đoạn đường đặt trạm cân đã giảm đáng kể, nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều hạn chế cần khắc phục.


Quốc lộ 70 chạy từ ngã ba huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ qua Yên Bái đến ngã ba Bản Phiệt, tỉnh Lào Cai là tuyến đường thông thương huyết mạch nối khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai với các tỉnh miền xuôi và ngược lại. Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện giao thông qua lại trên tuyến đường này. Những năm gần đây, tình trạng xe chở quá tải liên tục gia tăng đã làm cho nhiều đoạn đường bị sụt lún, biến dạng. Đặc biệt, đoạn qua địa bàn tỉnh Yên Bái thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông.


Một tuần trước khi triển khai kế hoạch cân xe, lực lượng chức năng đã cắm biển thông báo ở hai đầu đường quốc lộ 70. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu ra quân, tổ công tác đã kiểm tra 13 xe và phát hiện 5 xe chở vượt tải từ 10 - 50 tấn hàng. Những ngày tiếp theo, thêm nhiều xe vi phạm đã bị phát hiện và xử lý theo quy định. Đến ngày 7/6, lượng xe tải qua vị trí đặt trạm cân đã giảm hẳn, số xe bị phát hiện cũng giảm đáng kể. Nguyên nhân là do trạm cân lưu động được đặt tại km 31+800, quốc lộ 70 không kiểm soát được toàn bộ cung đường, vì vậy các lái xe đã chạy đường vòng để né trạm cân. Trước thực trạng này, ngày 8/6, tổ công tác liên ngành quyết định chuyển trạm cân đến vị trí km 30 + 200, đồng thời, lực lượng chức năng cũng lập tổ công tác thường trực 24/24 giờ tại đầu cầu Văn Phú (thành phố Yên Bái) để kiểm tra các trường hợp lái xe né trạm cân đi theo quốc lộ 32C, qua thành phố Yên Bái rồi rẽ sang quốc lộ 70.


Khi tổ công tác chốt chặn kiểm tra các ngả đường, tại khu vực Cát Lem, khu vực đèo Bụt thuộc địa bàn huyện Đoan Hùng (cách trạm cân khoảng 10 km) và tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (cách Yên Bái 60 km) đã hình thành các điểm tập kết xe, chờ hạ tải, sang tải để qua trạm. Đây cũng là cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng việc hạ tải để nâng giá bốc dỡ hàng hóa lên, xuống xe. Cùng với đó, do nhiều lái xe không biết việc kiểm tra chỉ áp dụng đối với xe có thiết kế tải trọng từ 30 tấn trở lên, nên một số đối tượng đã đứng ra “bảo kê” cho các xe có thiết kế tải trọng nhỏ hơn 30 tấn, không phải đi qua trạm cân để thu mỗi xe 200.000 - 300.000 đồng.
Đặc biệt, nhiều lái xe đã dùng thủ thuật hạ tải sang các xe tải nhỏ trước khi đến trạm cân, sau khi kiểm tra lại xếp hàng lại và đi tiếp. Sáng 11/6, chúng tôi có mặt tại trạm cân và chứng kiến xe tải BKS 24C- 013.31 chở hàng đông lạnh, khi vào cân xe chỉ có 27 tấn nên được phép qua trạm. Tuy nhiên, vừa qua trạm khoảng 300 mét, khi khuất tầm nhìn của tổ công tác thì chiếc xe này dừng lại bên đường, bốc dỡ hàng từ hai xe tải nhỏ lên xe rồi chạy tiếp về hướng Lào Cai. Cùng ngày, khi tổ công tác tại đầu cầu Văn Phú đang xử lý ùn tắc cục bộ (do hàng chục xe tải đang đỗ dọc hai bên quốc lộ 32C) thì phát hiện một xe ô tô con đang lai dắt 3 xe chở than quá trọng tải nhằm né tránh trạm cân. Trong quá trình kiểm tra, người ngồi trên xe con tự xưng là cảnh sát kinh tế (?) nhưng ông Mai Văn Bộ, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái kiên quyết yêu cầu đoàn xe chấp hành lệnh của tổ công tác.


Ông Trần Hồng Kiên, thành viên tổ công tác cho biết, do cân điện tử không thể cân khi trời mưa nên nhiều đối tượng đã lợi dụng cho xe chạy vượt trạm. Tổ công tác liên ngành đã yêu cầu các xe dừng lại, đợi hết mưa rồi cân kiểm tra. Đối với mặt hàng đặc biệt cần vận chuyển nhanh như hàng đông lạnh, hoa quả… thì ưu tiên cho cân tại trạm cân của Nhà máy xi măng Yên Bái (cách vị trí đặt trạm cân khoảng 1 km) để được lưu thông tiếp. Cũng theo ông Kiên, nhiều trường hợp chở vượt tải từ 70-90%, nhưng mức phạt chỉ có 4 triệu đồng và giữ bằng lái 60 ngày là quá nhẹ.


Ông Bùi Danh Tú, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết Sở sẽ tiếp tục tăng cường, siết chặt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời của địa phương. Về lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và các cấp, ngành liên quan. Và quan trọng hơn cả là nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe, chủ hàng trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

 

Trung Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN