Những 'người mẹ' thầm lặng ở bệnh viện ngày cuối năm

Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang ngoài các phòng, khoa chức năng hay các nơi điều trị dành cho người bệnh, ít ai biết có một phòng riêng biệt dành cho những đứa trẻ nhẹ cân, sinh non, mà ở đó những người điều dưỡng cứ âm thầm từng ngày với công việc của mình như chính những người mẹ sinh ra chúng.

Họ làm việc với hy vọng tương lai của những mầm sống nhỏ. Bởi những đứa trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh ngay từ lúc ra đời.

Những trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, được đưa tới một phòng đặc biệt để được chăm sóc theo cách thức cũng hết sức đặc biệt. Tại đây, ngoài hệ thống các trang thiết bị, dụng cụ y tế còn có các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, chăm sóc và điều trị riêng biệt.

Bác sĩ Lê Quốc Diệu, Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết, trại sơ sinh riêng biệt ở đây được thành lập từ tháng 11/2008, hiện có 72 giường dành để tiếp nhận những trẻ em từ 0 - 30 ngày tuổi, tất cả ở các nơi trong tỉnh chuyển đến và các tỉnh lận cận và nước bạn Campuchia. Đa số những trường hợp bệnh là suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh kèm theo đó là cũng có nhiều trường hợp dị tật tiêu hóa, tim mạch, thần kinh…

Có mặt tại Khoa nhi dành cho những đứa trẻ “riêng biệt” trong những ngày cuối năm mới thấy được sự “thầm lặng” của những người được xem như người mẹ của chúng.

Các bé phải nằm trong lồng ấp với ánh sáng và nhiệt độ thích hợp. Việc điều trị do các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nhưng điều đặc biệt ở đây nhất, đó là những cô hộ lý âm thầm làm công việc không khác gì người mẹ mới sinh con ra.

Từ việc chăm sóc cho trẻ, thay tã lót, tắm hàng ngày cũng đều do các cô hộ lý phụ trách, thực hiện. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Bích Thuận, Khoa nhi - Bệnh Viện Đa khoa Kiên Giang cho biết, những đứa bé khi mới lọt lòng mẹ thì chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài.

Vì vậy, việc đầu tiên các điều dưỡng làm ở đây là phải tạo tư thế giống như chúng đang nằm trong bụng mẹ, như làm vòng nôi có cảm giác như bé còn trong bụng; phải giữ nhiệt độ ấm nên lúc nào cũng có bóng đèn sưởi ấm.

Em bé chưa có phản xạ bú nên phải đặt ống từ miệng đưa vào tới dạ dày để nuôi bé. Người điều dưỡng ở đây cũng giống như người mẹ phải tự cho bé bú, cho đến khi nào bé biết bú, biết múc thì mới đem giao lại cho người mẹ. Đến đây, tiếp tục hướng dẫn cho bà mẹ tập cho bé bú thật tốt thì mới chính thức giao bé lại cho bà mẹ.

Bên cạnh chăm sóc của bác sĩ chuyên môn đối với trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân được áp dụng phương pháp Kangaroo phối hợp vừa nằm ấp và tập phản xạ bú, nuốt bằng sữa mẹ. Mục đích là tăng cao chất lượng cuộc sống của trẻ ngay trong những tuần đầu sau khi sinh.

 Các em bé được ấp Kangaroo sẽ có cảm giác từ hơi ấm của mẹ nên sẽ giúp cơ thể phát triển tốt hơn. Chị Nguyễn Ngọc Tiến, ngụ thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết, lúc mới đưa em bé vào đây điều trị cũng hơi lo. Thế nhưng, được các y, bác sĩ và điều dưỡng ở đây tận tình chăm sóc như chính những đứa con mình sinh ra nên cũng hết sức yên tâm.

Chăm sóc trẻ đặc biệt có nghĩa là các bé sẽ được chăm sóc cẩn thận trong một môi trường an toàn với hệ thống các phòng đảm bảo được tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và vô khuẩn, thiết bị máy móc, bao gồm hệ thống điện sưởi ấm, máy thở, đèn chiếu vàng da, máy theo dõi… đều được trang bị đầy đủ để chăm sóc cho trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh cần chăm sóc đặc biệt.

Tại Khoa nhi - Bệnh Viên Đa khoa Kiên Giang, sắp đến giao thừa đón chào năm mới, nhưng các điều dưỡng ở đây vẫn làm những công việc thầm lặng hàng ngày của mình. Một việc làm tưởng đơn giản, nhưng rất khó khăn và đầy tình thương này không phải ai cũng làm được.

Đa số mấy chị em đang trực tại “phòng đặc biệt” dành cho trẻ, họ đều có chung suy nghĩ: Mọi đứa trẻ sinh ra đều xem như chính con của mình thì mới chăm sóc một cách chu đáo và an toàn. Chính tình thương và sự tận tình, chuyên nghiệp của các cô đã giúp trẻ mau bình phục để giúp trẻ chuyển đến tận tay các bà mẹ trong niềm vui không tả hết.


Lê Sen (TTXVN)


Đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo
Đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo

Đầu năm 2014, Bộ Y tế sẽ tổ chức đợt “ra quân” đầu tiên, đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Nhưng liệu các bác sĩ trẻ có đủ khả năng khám chữa bệnh độc lập ở các cơ sở y tế tuyến huyện hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN