Những người thầy... không giáo án

Không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ tự kỷ, phần lớn, các thầy cô phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để điều chỉnh cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm và tâm huyết chính là "kim chỉ nam" cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ”, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trung tâm Trẻ tự kỷ Minh Tâm, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.


Sự kiên nhẫn và lòng yêu thương


Nhìn bề ngoài, các cơ sở nhận dạy trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không khác biệt nhiều so với các lớp mầm non bình thường. Tuy nhiên, việc dạy trẻ tự kỷ lại có rất nhiều đặc thù, các cháu thường gặp khó khăn trong các mối giao tiếp, quan hệ xã hội, đồng thời có những biểu hiện hành vi lặp đi lặp lại mang tính rập khuôn máy móc. Hơn nữa, mỗi trẻ bị tự kỷ lại có một dạng rối loạn khác nhau, hành vi, tính cách của các em cũng không em nào giống em nào. Vì vậy, việc giáo dục trẻ tự kỷ gần như không có giáo án cụ thể, các thầy cô phải có các cách dạy dỗ khác nhau cho từng trẻ.
 

Lớp học của trẻ tự kỷ ở Trung tâm Trẻ tự kỷ Minh Tâm.

 

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Trung tâm Trẻ tự kỷ Minh Tâm cho biết: Ngay tại các trường sư phạm có đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt thì cũng chỉ cung cấp được những kiến thức cơ bản về trẻ tự kỷ, hiện chưa có trường lớp đào tạo chuyên biệt giáo viên cho trẻ tự kỷ. Vì vậy, thầy cô giáo của các lớp học này chủ yếu phải dựa vào kinh nghiệm giảng dạy để đưa ra giáo án phù hợp cho từng trẻ. Các giáo viên tại Trung tâm Trẻ tự kỷ Minh Tâm vẫn thường xuyên tự tìm hiểu, học tập và tham gia các chương trình tập huấn, hội thảo về trẻ tự kỷ để nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục.


Thầy Vũ Bá Thắng, người thành lập lớp mầm non tư thục cho trẻ tự kỷ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh mang tên “Vì ngày mai” chia sẻ: "Với giáo viên dạy trẻ tự kỷ, ngoài kỹ năng sư phạm thì sự kiên nhẫn và lòng cảm thông với số phận các em là điều quan trọng nhất. Ở những lớp học khác, hết buổi học, gấp vở lại là xong giáo án. Nhưng với lớp học này, có những trang giáo án kéo dài đến 1 - 2 năm, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của các thầy cô. Nhiều trẻ tự kỷ khi vào lớp không hề biết một kỹ năng nào, dù là đơn giản nhất như: Mặc quần áo, ăn cơm, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân… Khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt của trẻ tự kỷ rất kém. Có em còn mắc bệnh tăng động, giảm chú ý. Vậy nên, dạy các em không phải chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn cần có lòng yêu thương. Đặc biệt, với các bé tự kỷ, tình yêu đó phải đủ để vượt qua tất cả những mệt nhọc, những khó khăn mỗi ngày. Đó là những khi thầy cô giảng giải cả ngày mà bé chẳng nhìn lấy một lần; rồi có những bé lại hay làm đau các bạn và làm đau bản thân nên các thầy cô cũng phải thường xuyên chú ý đến các cháu... Niềm vui của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ chỉ đơn giản như cuối buổi học, thấy các bé cười hớn hở, biết lấy dép, lấy mũ và balô của mình về và quay lại vẫy tay chào các thầy cô. Hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy các bé có thể “tốt nghiệp” về học hòa nhập với các trẻ bình thường.


Xây dựng trường chuyên biệt


Khi được hỏi về những vất vả hay khó khăn khi nuôi dạy trẻ tự kỷ, những giáo viên gắn bó lâu năm đều đánh giá đây là hành trình hết sức gian nan. Tuy nhiên vấn đề làm các thầy cô trăn trở nhiều nhất, đó là trẻ tự kỷ vẫn chưa được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước và sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía xã hội. Các thầy cô đều bày tỏ mong muốn Nhà nước có những chính sách cụ thể dành cho trẻ tự kỷ, đặc biệt cần mở trường chuyên biệt dành cho các em.


Thầy Vũ Bá Thắng cho biết: "Chưa có một thống kê cụ thể nào về tình hình trẻ tự kỷ toàn quốc cũng như ở các địa phương. Nhưng theo thống kê trẻ tự kỷ vào khám và điều trị tại các bệnh viện nhi thì tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh có số lượng trẻ tự kỷ khá cao. Tuy nhiên hiện tại, Quảng Ninh chưa có một trường chuyên biệt nào dành cho trẻ tự kỷ. Đây là một thiệt thòi lớn với các em và đặc biệt đối với những trẻ không có khả năng hòa nhập, các em sẽ trở thành gánh nặng suốt đời của gia đình. “Nếu không xây được trường chuyên biệt thì trong các trường phổ thông ở mỗi huyện, thị nên có những lớp dành cho trẻ tự kỷ để đảm bảo trẻ em nghèo bị hội chứng này cũng được quan tâm chăm sóc”, thầy Thắng mạnh dạn đề xuất.


Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương khác mới chỉ có một số cơ sở tư nhân nhận dạy cho trẻ tự kỷ nhưng với chi phí khá cao không phải phụ huynh nào cũng có đủ khả năng cho con theo học. Và ngay cả việc thành lập các lớp nhận dạy cho trẻ tự kỷ cũng gặp không ít những vướng mắc.


Cô Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Lớp trẻ tự kỷ Minh Tâm của tôi phải đăng ký thành lập dưới hình thức là một doanh nghiệp, danh nghĩa là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Minh Tâm Quảng Ninh, vì trong những văn bản pháp luật hiện nay không quy định về vấn đề thành lập lớp chuyên biệt cho trẻ tự kỷ. Các cơ sở nhận dạy trẻ tự kỷ thường phải mở ra dưới hình thức thành lập doanh nghiệp, hoặc lớp mầm non tư nhân.


Mong muốn của cô giáo Hạnh cũng như của nhiều thầy cô khác đó là thành lập được một trung tâm giáo dục - dạy nghề cho trẻ tự kỷ. Như vậy, các em có thể học tập, hòa nhập và xa hơn là có việc làm để tự lo cho bản thân mình cũng như được đóng góp công sức cho xã hội.



Bài và ảnh: Xuân Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN