Nói đến xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) dù những ai chưa từng đến cũng đều có những cảm xúc đặc biệt về mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, nơi lá cờ 54 m2 kiêu hãnh tung bay, thể hiện tình đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, những khó khăn, phức tạp, nguy hiểm những người dân nơi đây cùng Bộ đội biên phòng gắn bó và giữ vững mảnh đất phên dậu của Tổ quốc. Và những tổ ấm giữa người lính biên phòng với cô giáo vùng biên “cõng” chữ lên non, giữa cô gái dân tộc Lô Lô bên hồ mắt rồng, với cô gái dân tộc Giáy ngọt ngào giọng hát giao duyên... đã là những "phên dậu" vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc...
Sắt son với đá
Xã Lũng Cú có 9 xóm thì đến 7 xóm giáp biên. Đường biên giới nơi đây dài trên 10 km, với trên 700 hộ dân sinh sống, gồm các dân tộc: Mông, Lô Lô, Tày, Kinh, Mường, Dao. Đến với Lũng Cú hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là đời sống nhân dân được nâng lên, những ngôi nhà tạm dần được thay bằng nhà kiên cố. Dưới chân cột cờ, các em học sinh tung tăng cắp sách đến trường...
Hạnh phúc bên tổ ấm. Ảnh: Mạnh Duy |
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, bao thế hệ con dân đất Việt đều sắt son một lời thề trên cao nguyên đá, đó là: “Đem lại cuộc sống ấm no cho bản làng”. Anh Vàng Mí Cấu, Chủ tịch xã Lũng Cú cho biết: “Có được Lũng Cú hôm nay là nhờ công lớn của các anh bộ đội biên phòng, các thầy cô giáo, các cán bộ đã tình nguyện ở lại xây dựng, bảo vệ nơi địa đầu cực Bắc”.
Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, người đã có hơn 30 năm tuổi xuân trên dải đất biên cương cho biết, “cánh lính” ở đây người ít thì 5 năm, còn lại toàn trên 15 năm gắn bó với mảnh đất này. Chính trị viên Vũ Ngọc Lâm, người giữ trọng trách “giữ ấm tâm hồn, tư tưởng” cho cán bộ, chiến sĩ bộc bạch: "Cán bộ, chiến sĩ ở đây đã thực sự coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt”, nên nặng lòng với mảnh đất này lắm”.
Cách chân cột cờ Lũng Cú 12 km là xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, chúng tôi bắt gặp một anh lính biên phòng dáng cao gầy, mái tóc đã điểm bạc. Đó là Thiếu tá Trần Minh Phương, cán bộ Đồn biên phòng Lũng Cú được cấp trên giao giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã tham mưu cho xã về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Trò chuyện với chúng tôi, anh cười: “Lính biên phòng “đa năng” lắm, việc gì cũng cố gắng hoàn thành thật tốt”.
Ươm mầm xanh trên đá
Cao nguyên đá Đồng Văn đã được nhiều người biết đến khi gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Và sau những ngọn núi đá ấy, tổ ấm hạnh phúc của những người lính biên phòng với các cô giáo vùng biên đang đơm hoa kết trái.
Tiếp chuyện với chúng tôi trong cái rét 40C, nhấp một ngụm chè đặc, thiếu tá Tô Vĩnh Hà, Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: “Đồn biên phòng Lũng Cú đã có 8 cặp vợ chồng, tình nguyện gắn bó với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc này. Trong đó có vợ chồng thiếu úy Ly Mí Dình và cô giáo Bùi Thị Hằng. Chàng trai người dân tộc Mông quê xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, người con ưu tú của bản làng, ngày nào còn vượt qua 2 ngọn núi đến trường, giờ đã trở thành người cán bộ của đồn biên phòng. Vợ anh, cô giáo Hằng, người miền xuôi lên cắm bản, tâm sự: “Tôi yêu và lấy anh ấy bởi cảm phục ý chí và tình cảm chân thành của anh”. Chuyện tình của họ cũng thật đặc biệt. Sát cánh cùng những thày cô giáo, Ly Mí Dình đã vận động các gia đình trong thôn, bản đưa con em đến trường. Và trong những khó khăn ấy, sự gần gũi, động viên đã kết dính hai tâm hồn với nhau.
Còn rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đã quyết định xây dựng tổ ấm của mình nơi cao nguyên đá như gia đình trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh, Nguyễn Hữu Nam, Bùi Đức Minh, Bùi Đức Thoắng... Ở họ khi tìm đến nhau đều có những khoảnh khắc rất riêng, nhưng tựu chung lại đó là chữ tình, trách nhiệm gắn bó để xây dựng và bảo vệ một phần biên giới của Tổ quốc.
Phạm Chí Thịnh