Dường như ngày càng có nhiều hành khách trên máy bay coi chú chim sắt này là nhà riêng, phòng riêng nên tự cho mình cái quyền làm bất kỳ điều gì. Một nam diễn viên nổi tiếng người Pháp tự nhiên “xả nỗi buồn” ngay giữa lối đi trên máy bay. Một hành khách nọ cư xử thô lỗ trên khoang đến mức bị phi hành đoàn buộc chặt vào ghế. Một anh thanh niên kia ngang nhiên xem phim khiêu dâm trên điện thoại di động không cần giấu diếm. Rồi một vị thượng đế đột nhiên ném đồ vật vào phi hành đoàn...
Đi máy bay không phải là điều dễ chịu như quảng cáo của nhiều hãng hàng không. Ảnh: CNN |
Các hãng hàng không ngày càng phải đối mặt nhiều với những hành vi, hình ảnh chướng tai gai mắt này; thậm chí phải đối mặt hàng ngày và trên từng chuyến bay. Có một điều là các phi công và tiếp viên hàng không thường lo có thể bị hành khách kiện nếu họ phản ứng lại.
Từ năm 2007, các hãng hàng không đã báo cáo với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hơn 15.000 vụ hành khách có hành vi xấu trên máy bay. Những hành vi này ngày càng phổ biến, đến mức IATA cho rằng đã đến lúc phải có biện pháp xử lý.
Đó chính là lý do tại sao IATA muốn quy định rõ trên giấy trắng mực đen những biện pháp mà phi hành đoàn được phép thực hiện khi đối mặt với những hành vi thô lỗ nhưng lại không gây ra một mối đe dọa rõ ràng nào với an toàn chuyến bay như đã nói ở trên. IATA sẽ đề cập vấn đề này tại một hội nghị ngoại giao ở Montreal (Canada) vào tháng 3 tới, với hi vọng sẽ xây dựng một hướng dẫn hàng không mới được áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
Quy định áp dụng hiện nay trên các chuyến bay được dựa theo Công ước Tokyo năm 1963, theo đó đưa ra các biện pháp xử lý với những vi phạm hình sự gây mất an toàn chuyến bay nghiêm trọng. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy ngành hàng không giờ rất khác so với thời công ước trên được ký kết.
Nhà tâm lý Robert Bor, người nghiên cứu hành vi và nỗi sợ bay của hành khách, cũng cho rằng nhiều điều đã thay đổi so với những năm 1960. Thời đó, được đi máy bay “cứ như là trong mơ” và hành khách thường ăn mặc chải chuốt khi có cơ hội “bay trên trời”.
Giờ đây, đi máy bay là việc quá đỗi bình thường trong khi hành khách đang phải sống trong một xã hội với nhiều áp lực về thời gian và tiền bạc. Vì thế người ta rất dễ nổi cáu. Những người gây gổ trên máy bay hầu hết là những người không có vấn đề về tâm lý. Họ có thể nổi đóa lên khi người phía trước ngả ghế ra phía sau khiến không gian phía sau chật chội. Những trường hợp dễ “sinh sự” là khi có chút hơi men trong người hoặc bản thân người đó mang tâm lý sợ bay.
Một nguyên nhân khác khiến hành khách đi máy bay thường nổi giận đó là thiết kế và môi trường trong khoang máy bay. Nghiên cứu cho thấy thiếu không gian có thể gây căng thẳng hoặc thậm chí kích hoạt sự giận giữ. Không gian chật chội cũng khiến người ta khó chịu khi “lãnh thổ” của mình bị xâm lấn. Nhà tâm lý Bor nhận định: “Chúng ta có thể cho rằng đó là những chuyện vặt vãnh. Nhưng thực tế, những điều này sẽ khiến sự căng thẳng tích tụ lại”. Ông Bor cho rằng đã đến lúc phải chỉnh sửa Công ước Tokyo cho hợp thời thế.
IATA hiện không có một hệ thống nào để đánh giá, xác định một hành vi thô lỗ trên máy bay. Tuy nhiên, với một chính sách, quy định chung trên toàn cầu, IATA hi vọng rằng hành khách sẽ nắm được một thông điệp rõ ràng là họ sẽ phải chịu hậu quả nếu có hành vi “lố” trên máy bay. Cảnh sát, chính quyền và tòa án sẽ có công cụ pháp lý để xử lý hành vi của những hành khách “quá quắt” này.
Thùy Dương