Với những cách làm sáng tạo, Agribank Đồng Nai đã đưa đồng vốn tới tay người nông dân phát huy hiệu quả, giúp dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.Trồng quýt thu 100 triệu, lãi 70 triệuVườn quýt của ông Hứa Văn Trung - người dân tộc Nùng (ấp 4, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, Đồng Nai) là một trong những mô hình giàu lên từ nguồn vốn vay của Agribank Đồng Nai. Ông Trung tâm sự: “Năm 1987 tôi cùng gia đình từ huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng tới xã Núi Tượng lập nghiệp với vốn tích lũy là 2 chỉ vàng. Nhờ số vốn đó mà tôi mua được mảnh vườn nhỏ để canh tác, nuôi sống gia đình. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng các loại cây ngắn ngày và cà phê. Đến năm 2010 cây cà phê già cỗi, năng suất thấp lại hay bị sâu bệnh nên tôi đã quyết phá bỏ để trồng loại cây khác. Bao nhiêu năm tích lũy được ít vốn tôi đã mua đất để mở rộng sản xuất, số vốn còn lại chỉ đủ đầu tư bước đầu khi chuyển đổi cây trồng nhưng cả gia đình vẫn quyết tâm vươn lên, tìm cách làm giàu chân chính”.
Ông Hứa Văn Trung với vườn quýt trĩu quả. |
Thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt trong vay vốn để sản xuất nông nghiệp nên ông Trung đã nhanh chóng làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. “Nếu như thời điểm đó không vay được vốn thì khó có thể cho con cái ra ở riêng cũng như có được vườn quýt như ngày hôm nay” ông Trung chia sẻ.
Ông Bùi Huy Đệ - Giám đốc Agribank Chi nhánh Tân Phú cho biết, Agribank Tân Phú đã quyết định đầu tư 50 triệu đồng cho gia đình ông Trung vay. Có vốn vay của Agribank, lại thêm sự chăm chỉ học hỏi và quyết tâm làm giàu nên vườn quýt của ông luôn trĩu quả, năng suất cao, ít sâu bệnh. Mùa trúng mùa, vụ nối vụ nên gia đình ông Trung đã nhanh chóng trở nên khá giả. Nhờ cách làm hiệu quả, không những ông Trung trả hết nợ mà còn tiếp tục vay thêm 250 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Theo tính toán của ông Trung nếu thu 100 triệu đồng từ trồng quýt thì chi phí bỏ ra chỉ khoảng 30 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng. Hiện vườn quýt của ông trung có 2.000 cây đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi tháng khu vườn cho doanh thu khoảng 20 triệu đồng.
Từ Bác sỹ tới chủ doanh nghiệp ca cao Khi còn làm bác sỹ, ông Khâm đã từng nghiên cứu qua nhiều tài liệu nói về các thành phần dinh dưỡng của quả ca cao. Đến khi về hưu từ năm 1990 ông Khâm bắt tay vào nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ ca cao. Với số vốn vay được của bạn bè và người thân 5 chỉ vàng, ông đã đi khảo sát vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng và nhận thấy người nông dân trồng ca cao thường thiệt thòi. Lợi nhuận thu lại không được bao nhiêu, sản phẩm lại xuất thô nên lãng phí. Từ đó ông có ý định thành lập cánh đồng mẫu lớn ca cao và hỗ trợ vốn cho nông dân ổn định sản xuất, lại có nguồn nguyên liệu để chế biến.
Năm 2006 ông đầu tư cho nông dân 50% cây ca cao và thành lập câu lạc bộ sản xuất ca cao với mô hình từ nông dân tới câu lạc bộ và Công ty chế biến mà không qua thương lái. Với cách làm đó ông đã nâng được giá trị cây ca cao và ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến. Tuy nhiên khi đó lại thiếu vốn để thu mua ca cao cho nông dân. Và Ngân hàng Agribank đã đồng hành với ông Khâm cùng nông dân trong việc thu mua chế biến quả ca cao.
Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Định Quán cho biết, ngoài khách hàng là các hộ nông dân thì Công ty Ca cao Trọng Đức cũng là khách hàng thường xuyên của ngân hàng. Doanh nghiệp vừa vay để sản xuất, đồng thời cũng vay để đầu tư cho nông dân trồng ca cao với giá thu mua từ 4.000 đồng/kg ổn định trong 7 năm, nếu giá lên thì sẽ mua lên. Thời gian qua doanh nghiệp đã vay 10 tỷ đồng và dự kiến vay trung hạn thêm 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai cho biết thêm: “Nhờ đồng vốn và cách làm mới của Ngân hàng Agribank Đồng Nai mà người nông dân ở vùng nông thôn đã thoát được nghèo vươn lên làm giàu từ cây trồng vật nuôi. Nhiều tỷ phú nông dân đã biết phát huy nội lực của vùng đất Miền Đông để làm giàu cho mình và giúp cho nhiều nông dân khác cùng giàu. Đây cũng là chính sách nhất quán của Agribank Đồng Nai nói riêng và Agribank nói chung với phương châm “mang phồn thịnh đến khách hàng”.