Hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Ban tổ chức Hội thảo đã đề nghị đại biểu tham dự tập trung trao đổi, làm rõ một số một số vấn đề như, đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Việt Nam trên các mặt thể trạng, tầm vóc, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, lao động qua đào tạo, kỹ năng lao động, cơ hội việc làm, tham gia hệ thống chính trị, hôn nhân gia đình, đời sống, thu nhập, đói nghèo…
Ngoài ra, Hội thảo cũng đề nghị đại biểu phân tích, làm rõ nguyên nhân, hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực các dân tộc rất ít người, đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, đánh giá hệ thống chính sách của Nhà nước hiện hành về phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, tác động, hiệu quả của hệ thống chính sách đến việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là luật hóa những vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả một số chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số như: Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Trong lĩnh vực y tế, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hiện hành, sửa Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh sửa đổi điều 10 của pháp lệnh dân số theo hướng thu hẹp đối tượng được sinh con thứ 3, chỉ áp dụng đối với các dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm đạt mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, trong đó ưu tiên các mục tiêu đối với người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, ưu tiên đầu tư cho những cơ sở dạy nghề trọng điểm ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Hội thảo cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhà quản lý với nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Việt Nam là quốc gia có 54 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống ổn định lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 13 triệu người, chiếm khoảng 14,6% dân số cả nước. Hiện nay, có 56/63 thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, buôn, bản, phum, sóc… Hiện nay, có 48,6% đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng trung du miền núi phía Bắc, khoảng 30% sống tại các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên…
Sau nhiều thập niên tập trung phát triển tổng thể nguồn nhân lực theo diện rộng, đến nay, trình độ dân trí vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước đã được nâng lên đáng kể.