Năm nay đã ngoài 92 tuổi, hiện ngụ tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, cựu chiến binh Điện Biên Phủ, đại tá Ung Răng, vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông từng tham gia, cũng như kỷ niệm về những lần được vinh dự gặp "Tướng Giáp".
Lần giở những bức hình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chuyến ra thăm Đại tướng tại Hà Nội, cựu chiến binh Điện Biên Phủ - đại tá Ung Răng, không kìm được xúc động. Với ông, đó là những kỷ vật vô giá.
Đại tá Ung Răng (áo trắng, bên trái) bồi hồi xúc động kể về công tác làm đường kéo pháo chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. |
Đại tá Ung Răng nghẹn ngào kể: "Năm 2002, tôi cùng đồng đội ra Hà Nội, đã vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một đồng đội chỉ về phía tôi hỏi: 'Đại tướng còn nhớ Đại tá Ung Răng, người mở đường cho công tác kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ hay không?'. Đại tướng nói: 'Có nhớ chứ' và Người ôm chầm lấy tôi. Lúc đó tôi cảm nhận được sự nồng ấm, thân thiện, gần gũi như anh em lâu ngày gặp lại từ cái ôm của Người".
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài, nhạy bén trong thao lược quân sự, từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, thắng chắc”. Việc Đại tướng vận dụng tốt địa hình, địa thế; ra quyết định kịp thời kéo pháo vào, ra trận địa là mấu chốt quan trọng giúp chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, lập nên trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam”.Cựu chiến binh Ung Răng tâm sự |
Những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ giờ vẫn như những thước phim quay chậm trước mắt đại tá Ung Răng. Ông bồi hồi kể: "Tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, đơn vị được giao nhiệm vụ mở đường, bắc cầu bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là mở đường cho đoàn bộ binh kéo pháo ra trận địa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi chưa khi nào được gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng mọi mệnh lệnh của Đại tướng chúng tôi đều thực hiện rất nghiêm".
Ông Răng nhớ như in lần Đại tướng chỉ đạo lực lượng công binh phối hợp với pháo binh (trong đó có Tiểu đoàn 444) làm nhiệm vụ mở đường. Ông kể, lúc đó nhiệm vụ mở đường hết sức khó khăn vì địa hình hiểm trở, lực lượng tham gia lại thiếu kinh nghiệm, nên rất lúng túng.
Ông Răng phân tích: Đường cho pháo cơ giới đi qua phải rộng đủ 3,5 m, độ dốc tối đa 9% và bán kính đường vòng tối thiểu là 12 m tại chỗ quay đầu pháo. Tuy nhiên, đường qua đỉnh Yên Ngựa tiến vào trận địa Điện Biên Phủ có đoạn lên rất cao rồi có đoạn lại xuống rất thấp, nhiều khúc cua hẹp, nên để di chuyển khẩu đại pháo qua được con đường này là một nhiệm vụ quá khó khăn.
"Nhưng chính sự sáng tạo, niềm tin của Đại tướng đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm thực hiện", ông Ung Răng chia sẻ. Tiểu đoàn 444 của đại tá Ung Răng đã đóng góp sáng kiến trong làm đường kéo pháo, giải quyết thành công những khúc đường vòng móng ngựa trên vách núi (đoạn từ Bản Xỉn qua Puyatao, sang phía tây lòng chảo Điện Biên) dài khoảng 18 km, để đưa pháo vào trận địa như kế hoạch Đại tướng vạch ra, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bài và ảnh: Dương Chí Tưởng