Niềm vui được vay tiền không thế chấp

Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) diễn ra sôi nổi, đông đúc, nhộn nhịp. Người đến vay vốn mới, người đến trả được vay lại, ai cũng vui mừng vì tiếp cận với nguồn vay này không phải thế chấp để đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo và lo cho con cái ăn học.

Sinh lợi từ vốn vay


Ba Trại là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, trong đó có 2/9 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn và được hưởng chính sách của Chương trình 135. Dân số có 13.000 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm đến 40%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Năm 2014, toàn xã có 295 hộ nghèo (chiếm 9,4%), cận nghèo có 245 hộ (chiếm 7,8%). Theo thống kê của UBND xã Ba Trại, tính đến thời điểm này tổng dư từ NHCSXH là 30 tỷ đồng. Ông Bạch Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: Các hộ nghèo, cận nghèo ở xã thực sự được hưởng lợi từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Cái được thứ nhất là không phải thế chấp tài sản, tiếp cận với vốn vay thuận lợi, dễ dàng; thứ hai là được vay vốn theo chương trình học sinh sinh viên để đầu tư cho cái ăn học. Nhân dân vay ý thức trách nhiệm cao, lo đầu tư phát triển kinh tế, sinh lợi để hoàn trả cả gốc lẫn lãi đúng thời hạn, không có tình trạng nợ xấu.

Người dân xã Ba Trại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.


Theo chia sẻ của ông Nam, kinh nghiệm không để lại nợ xấu trên địa bàn xã là nhờ công tác quản lý vốn chặt chẽ đến tận hộ gia đình. Khi bình xét hộ vay vốn phải đúng đối tượng, đủ điều kiện, vì vậy người dân chấp hành tốt vay và trả. Đồng thời, các hộ nghèo vay vốn, chính quyền và các đoàn thể kiểm tra, động viên, hướng dẫn làm “nuôi con gì, trồng cây gì” cho hiệu quả kinh tế. Trong những năm qua, nguồn vốn vay này đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Ba Trại. Mỗi năm, số hộ nghèo ở xã Ba Trại giảm 3%, phấn đấu năm 2015 giảm xuống còn 5% và sẽ đạt tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2014, thông qua 10 chương trình tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì đã thực hiện cho vay trên 8.700 lượt hộ, trong đó: 1.123 lượt hộ nghèo, 951 lượt hộ cận nghèo, 1.017 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, giúp 700 lượt hộ tại vùng khó khăn có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Anh Dương Văn Cường, ở thôn 4, xã Ba Trại trước là hộ nghèo, đông con nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2009, anh Cường được vay vốn 15 triệu đồng của NHCSXH để chăn nuôi lợn, gà, bò và chăm sóc cây chè. Năm 2013, gia đình anh Cường đã hoàn trả cả gốc lẫn lãi và vay lại 30 triệu đồng để tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Nhờ vào nguồn vốn sinh lời, hiện nay gia đình anh Cường đã thoát nghèo, có của ăn của để và làm được ngôi nhà mới trị giá khoảng 400 triệu đồng. Anh Cường tâm sự: “Dân rất phấn khởi, vì nhờ có nguồn vốn vay này mà nhiều hộ nghèo như gia đình tôi đã thoát nghèo, con cái có điều kiện học cao hơn. Tuy nhiên, tôi đề nghị cho mỗi hộ vay số tiền nhiều hơn nữa, vì số tiền 30 triệu đồng trở xuống thì không đầu tư làm kinh tế lớn được”.

Giúp đoàn viên, thanh niên làm kinh tế

Chàng trai trẻ 23 tuổi Nguyễn Văn Đức, ở thôn 1 (Ba Trại) mới lấy vợ và bố mẹ cho ở riêng, hoàn cảnh khó khăn nên đăng ký vay vốn tại tổ chức Đoàn Thanh niên xã được NHCSXH ủy thác, để có tiền làm chuồng trại chăn nuôi. Đức được xét vay 30 triệu đồng, dự định sẽ mua một con bò cái, 3 con lợn lái để lai giống sinh sản. Đức cho biết: “Vợ chồng tôi mới ở riêng, không biết vay mượn chỗ nào để làm kinh tế thoát nghèo. Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng không phải thế chấp tài sản, tôi rất vui và sẽ cố gắng chăn nuôi sao cho hiệu quả, để sinh lợi từ nguồn vốn vay ban đầu này”. Nhận số tiền vay trên tay, Đức hớn hở nói: “Vợ chồng tôi có cơ hội để phát triển kinh tế rồi”.

Thanh niên Nguyễn Viết Quảng, 28 tuổi ở thôn 1 (Ba Trại) đã có cơ sở chăn nuôi, mỗi năm trừ chi phí thu về khoảng 80 triệu đồng. Hiện gia đình anh Quảng có 2 con bò, 4 con lợn nái đẻ, bán con giống thu lời. Anh Quảng được tổ chức ủy thác Đoàn Thanh niên xã xét cho vay 40 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi, làm mô hình điểm cho các đoàn viên, thanh niên khác học hỏi. Anh Quảng chia sẻ, có tiền gia đình sẽ mua thêm bò cái, lợn nái nuôi để bán giống.

Bà Nguyễn Thị Hải Ba, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: “Qua công tác kiểm tra cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, dần vươn lên thoát nghèo”. Tuy nhiên, theo bà Ba thì mức cho vay tối đa quy định tại một số chương trình còn thấp, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bài và ảnh: VH

Vốn ngân hàng góp phần phát triển Tây Bắc
Vốn ngân hàng góp phần phát triển Tây Bắc

Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN