Nigeria, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi và lớn thứ tám trên thế giới, vừa phạt tập đoàn năng lượng Shell của Hà Lan 5 tỷ USD do vụ tràn dầu hồi cuối năm ngoái tại một mỏ ngoài khơi nước này.
Sự cố của Shell là thảm họa tràn dầu ngoài khơi tồi tệ nhất tại Nigeria kể từ sự cố của Mobil năm 1998. Ảnh Internet. |
Shell buộc phải ngừng hoạt động tại mỏ dầu Bonga ở Vịnh Guinea sau khi xảy ra vụ rò rỉ khoảng 40.000 thùng dầu thô ngày 20/12/2011. Mỏ Bonga, nằm cách bờ biển Nigeria khoảng 120 km, có sản lượng 200.000 thùng/ngày.
Phát biểu trong cuộc họp Quốc hội ngày 16/7, Peter Idabor, người đứng đầu Cơ quan phát hiện và xử lý tràn dầu quốc gia Nigeria, cho biết nhà chức trách nước này đã đưa ra mức phạt trên với Shell. Quan chức này khẳng định "mức phạt hành chính" đối với Công ty Thăm dò và Sản xuất của Shell tại Nigeria (SNEPCO) là phù hợp với thông lệ hoạt động quốc tế của ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ.
Về phần mình, người phát ngôn của Shell Tony Okonedo cho rằng mức phạt trên là không có cơ sở vì công ty này đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn dầu tràn. Theo giới quan sát, Shell có thể kháng cáo tại tòa án.
Trong khi đó, chuyên gia về các hoạt động của Shell ở Nigeria thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, bà Audrey Gaughran, cho rằng mức phạt trên là nặng nhất từ trước đến nay mà chính quyền Nigeria đưa ra và hoan nghênh động thái này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Nigeria cần phải có lập luận chứng minh rõ ràng, bao gồm cả việc Shell có hoạt động tác trách dẫn đến dầu tràn hay không.
Nigeria thường xuyên phạt các công ty không tiến hành thu dọn xử lý sạch sẽ sau khi để xảy ra tràn dầu. Theo bà Gaughran, vì năng lực còn hạn chế nên trước đó, cơ quan điều tra của Nigeria không thể chứng minh được một số vụ dầu tràn xảy ra là do các công ty khai thác dầu mỏ lớn không quản lý và vận hành một cách chính xác thiết bị của họ. Bà lưu ý các công ty dầu mỏ thường tự chịu trách nhiệm điều tra khi để xảy ra sự cố.
Các quan chức Nigiêria cho rằng vụ tràn dầu trên là thảm họa tràn dầu ngoài khơi tồi tệ nhất ở nước này kể từ sự cố của Mobil năm 1998.
Tin tức/TTXVN