Nổ bom tại sân bay Đômôđeđôv ở khoang đợi nhận hành lý

Ngày 24-1-2011, tại gian quốc tế sân bay Đômôđeđôvô (Domodedovo), Liên bang Nga (LB Nga) đã xảy vụ đánh bom liều chết làm 35 người thiệt mạng và ít nhất 1 người bị thương (trong đó có khoảng 40 người bị thương nặng và rất nặng).

Phía Nga thông báo trong số 1 người bị thương trên đây, có ít nhất 2 công dân nước ngoài. Chưa có thông tin gì liên quan đến người Việt Nam bị thương vong. Ủy ban điều tra LB Nga cho biết vụ nổ xảy ra lúc 16 giờ 32 phút (13 giờ 32 phút GMT) tại khu vực đợi nhận hành lý gian quốc tế đến của sân bay Đômôđeđôvô.

Đưa người bị thương ra khỏi hiện trường. Ảnh: AP


Theo bảng thông tin điện tử online-table của sân bay Đômôđeđôvô, trong khoảng từ 16h00 đến 16h50 theo giờ Mátxcơva, phi trường Đômôđeđôvô đã tiếp nhận 8 chuyến bay quốc tế. Cụ thể, chuyến bay số UN208 từ Odessa hạ cánh lúc 16h05, chuyến bay 7К9822 từ Hurghada tiếp đất lúc 16h11, chuyến bay số hiệu SN2835 từ Brussel hạ cánh lúc 16h20, chuyến bay S7 924 từ Burgas (Hy Lạp) hạ cánh lúc 16h25, chuyến bay BD 891 và đồng thời là chuyến bay UN 7444 từ London hạ cánh lúc 16h25, chuyến bay AB8352 từ Berlin hạ cánh lúc 16h36, chuyến bay UN594 từ Baradero (Cuba) tiếp đất lúc 16h46, chuyến bay LH 1446 từ Frankfurt/Main hạ cánh lúc 16h46.

Ủy ban điều tra LB Nga cũng tuyên bố đã khởi tố vụ án hình sự về vụ nổ ở sân bay Đômôđeđôvô theo tội danh “khủng bố”.

Hiện chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.

Ngay chiều 24-1, Tổng thống Nga Đmitơri Métvêđép (Dmitry Medvedev) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp liên quan đến vụ nổ tại sân bay Đômôđeđôvô. Tổng thống Métvêđép đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan Nga ban bố lệnh an ninh đặc biệt tại tất cả các sân bay và các địa điểm giao thông trọng yếu của thủ đô Nga và những thành phố lớn nhất của LB Nga, đồng thời ra lệnh khắc phục nhanh hậu quả vụ nổ, trước hết là cấp cứu và trợ giúp hiệu quả những người bị thương. Tổng thống Métvêđép đã quyết định hoãn chuyến đi Đavốt (Davos) để dự Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Cùng thời gian này, Thủ tướng Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) cũng đã chỉ thị cho các quan chức và cơ quan hữu quan Nga thực thi ngay các biện pháp khẩn cấp nhằm giúp đỡ thân nhân những người thiệt mạng và bị thương.

Hãng thông tấn Nga Interfax cho hay một quả bom TNT nặng gần 7kg được sử dụng cho vụ nổ. Cảnh sát đang truy lùng 3 nam giới tình nghi.

Trong khi đó, các báo cáo cho biết các cơ quan an ninh Nga đã nhận được cảnh báo về một vụ tấn công nhằm vào một sân bay ở thủ đô Mátxcơva. Lực lượng an ninh đã truy lùng ba nghi can, song bọn chúng tìm cách tiếp cận được khu vực sân bay trên, chứng kiến vụ đánh bom do tòng phạm của chúng gây ra và sau đó rời khỏi hiện trường.

* Dư luận trên thế giới

- Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) ngày 24-1 đã mạnh mẽ lên án vụ đánh bom liều chết kinh hoàng tại sân bay Đômôđeđôvô.


- Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anđớt Phốc Raxmuxen (Anders Fogh Rasmussen) đã bày tỏ "sự đoàn kết" của khối này với Nga, đồng thời tuyên bố "chúng ta đang sát cánh bên nhau trong cuộc chiến này...


- Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án vụ đánh bom, chia buồn với nhân dân Nga. Nước Mỹ bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ nếu Nga cần thiết.


Cùng ngày, lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Bungari, Ai Cập, Gioócđani, Canađa và Ôxtrâylia cũng đã kịch liệt lên án "vụ đánh bom tàn bạo" trên.



Được xây dựng năm 1964, Đômôđeđôvô là một trong ba sân bay quốc tế phục vụ thủ đô Nga. Sân bay Đômôđeđôvô nằm cách trung tâm thành phố 40 km về hướng Đông Nam, phục vụ 241 tuyến đường bay quốc tế và nội địa. Năm 2010, sân bay đã chuyên chở 22,3 triệu lượt hành khách.


* Các vụ đánh bom khủng bố tại Nga kể từ năm 1995:
-
 Ngày 14 đến 19-6-1995: Lực lượng khủng bố Tresnia bắt cóc hàng trăm con tin tại một bệnh viện ở thị trấn Budyonnovsk, miền Nam nước Nga. Khoảng 100 người đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công giải cứu.


- Ngày 4-9-1999: Một vụ đánh bom đã phá hủy tòa nhà của lực lượng biên phòng Nga và gia đình của họ ở thành phố miền Nam Buinaksk. 64 người đã thiệt mạng.


- Ngày 9-9-1999: Một vụ đánh bom vào một tòa nhà tại thủ đô Mátxcơva, làm 90 người thiệt mạng.


- Ngày 13-9-1999: Một vụ đánh bom vào một tòa nhà tại thủ đô Mátxcơva, làm 118 người thiệt mạng.


- Ngày 16-9-1999: Một tòa nhà ở thành phố miền Nam Volgodonsk bị đánh bom, làm 17 người thiệt mạng.


- Ngày 23 đến 26-10-2002: Khoảng 40 tên khủng bố Tresnia bắt giữ gần 800 khán giả đang xem ca nhạc tại Cung Văn hóa ở phía Nam thủ đô Mátxcơva làm con tin. 130 con tin đã bị thiệt mạng, trong đó có 128 người bị thiệt mạng do ảnh hưởng của loại khí đặc biệt mà lực lượng an ninh sử dụng để tấn công giải thoát con tin. Lực lượng Liên bang Nga tiêu diệt ít nhất 36 tên trong nhóm bắt cóc, trong đó có tên cầm đầu Mốpxa Baraiép.


- Ngày 27-12-2002: Khoảng 80 người đã bị thiệt mạng khi quân khủng bố Tresnia lái hai chiếc xe chứa chất nổ đâm vào tòa nhà trụ sở chính quyền Tresnia ở thủ phủ Grôdơnưi.


- Ngày 14-5-2003: Một vụ đánh bom liều chết vào một tòa nhà của chính quyền ở Tresnia làm 60 người thiệt mạng.


- Ngày 16-5-2003: Một phụ nữ tiến hành một vụ đánh bom tự sát tại một lễ diễu hành tôn giáo ở làng Ilixkhan Lúctơ, cách thủ phủ Grôdơnưi của Tresnia khoảng 45 km về phía Đông, làm 18 người thiệt mạng.


- Ngày 5-7-2003: Hai phụ nữ đánh bom tự sát tại một buổi hòa nhạc ở thủ đô Mátxcơva, làm 200 người thiệt mạng.


- Ngày 1-8-2003: Khoảng 50 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương trong vụ đánh bom bằng xe tải tại một quân y viện ở Môdơđốc thuộc nước Cộng hòa Bắc Ôxêtia của Nga.


- Ngày 5-12-2003: Hơn 40 người thiệt mạng và 80 người bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào một đoàn tầu hỏa chạy điện trên tuyến đường sắt nối thành phố nghỉ mát Minerannưi Bôđư và Kixlơvốtxcơ, miền Nam nước Nga.


- Ngày 6-2-2004: Một vụ đánh bom khủng bố vào tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Mátxcơva trong giờ cao điểm, làm 41 người thiệt mạng.


- Ngày 9-5-2004: Một vụ đánh bom tại Sân vận động Đinamô ở thủ phủ Grôdơnưi (Tresnia), khiến Tổng thống Tresnia A.Cađưrốp và ít nhất 15 người khác thiệt mạng.


- Ngày 24-8-2004: Hai máy bay chở khách đều xuất phát từ sân bay quốc tế Đômôđêđôvô ở thủ đô Mátxcơva đã bị nổ gần như vào cùng một thời điểm, làm khoảng 90 người thiệt mạng.

- Ngày 31-8-2004: Một phụ nữ đánh bom liều chết tại cửa ga tầu điện ngầm Rizhskaya ở phía Bắc Mátxcơva, làm 10 người thiệt mạng và 51 người bị thương.


- Ngày 1 đến 3-9-2004: Một nhóm khủng bố Tresnia mang theo vũ khí, quấn thuốc nổ quanh người, đã chiếm Trường phổ thông trung học số I tại thành phố Bêxlan, Bắc Ôxêtia thuộc Liên bang Nga, bắt giữ 1.200 học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh. Vụ bắt cóc con tin làm ít nhất 344 người thiệt mạng, trong đó có 155 trẻ em. 31 tên khủng bố đã bị các lực lượng an ninh tiêu diệt trong vụ này.


- Ngày 13-10-2005: Khoảng 150 phần tử nổi dậy có vũ trang tấn công một đồn cảnh sát và một số công sở tại thành phố Nantrích thuộc nước Cộng hòa tự trị Cabácđinô Bancaria ở miền Nam Liên bang Nga. Ít nhất 128 người thiệt mạng trong các cuộc đấu súng.


- Ngày 17-8-2009: Một chiếc xe tải có chứa chất nổ lao vào tòa nhà trụ sở Sở Nội vụ thành phố Nadơzan, Cộng hòa Ingusêtia thuộc Liên bang Nga. Vụ đánh bom liều chết này làm 24 người thiệt mạng.


- Ngày 27-11-2009: Một vụ đánh bom tàu chở khách đang trong hành trình từ Mátxcơva đi Xanh Pêtécbua làm 28 người thiệt mạng.


- Ngày 19-2-2010: 1 cảnh sát bị giết và 16 người khác bị thương trong hai vụ nổ tại Cộng hòa Ingusêtia.


- Ngày 29-3-2010: Ít nhất 40 người bị thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong 2 vụ đánh bom tại nhà ga Lubianca và nhà ga Công viên văn hóa tại thủ đô Mátxcơva.


- Ngày 31-3-2010: Vụ đánh bom kép tại trung tâm thành phố Kidơlia, nước Cộng hòa tự trị Đaghextan thuộc Liên bang Nga làm 12 người thiệt mạng và 23 người bị thương./.


Theo TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN