Nợ công trong giới hạn an toàn

Báo cáo mới đây của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2012 và 4 tháng đầu năm khẳng định: Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Sắp tới, Chính phủ sẽ có báo cáo chi tiết về nợ công với Quốc hội.

 

Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đông Anh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Ngưỡng an toàn


Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện khá tốt thông tin về nợ công năm 2011. Bộ Tài chính đã ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công. Tổng số dư nợ công đến 31/12/2011 bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với năm 2010 song vẫn trong giới hạn cho phép. Nợ công của Việt Nam tính đến 31/12/2012 tương đương 55,5% GDP. Tuy nhiên, UBTCNS cho rằng, nợ công vẫn tăng nhanh. UBTCNS đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý nợ công, nhất là đối với cấp bảo lãnh và nguồn vay nước ngoài về cho vay lại.


Giải trình thêm về nợ công trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tính đến cuối năm 2011, nợ công của Chính phủ vẫn nằm trong giới hạn. So với quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, cũng như Quyết định phê duyệt chiến lược nợ công, nợ công được phép bằng 65% GDP.


Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự băn khoăn về cách tính nợ công của Việt Nam khác với một số tổ chức quốc tế. Nếu theo cách tính của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế, nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong khi đó, cách tính nợ công của Việt Nam lại chỉ tính nợ của DNNN bảo lãnh mà "gạt" đi nhiều khoản nợ lớn của DNNN. Và nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực DNNN mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP. Có nghĩa là cả nước làm ra 136 tỷ USD trong năm ngoái thì phải trả nợ 121 tỷ USD. Nếu đúng như vậy thì đây là vấn đề rất đáng lo ngại.


Tuy nhiên, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, nợ công của DNNN không được hạch toán và không thuộc phạm vi quản lý của nợ công Việt Nam.


Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện có nhiều báo cáo đưa ra cách tính nợ công khác nhau. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Chính phủ bảo lãnh cho vay cũng chưa thống kê một cách cụ thể. Nếu có số liệu chính xác, Quốc hội mới có thể có ý kiến để cùng Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô”.


Tại cuối phiên thảo luận ngày 30/5 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2013, trước một số ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam cao, con số thống kê không chính xác, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Trong nợ của Nhà nước có nợ Chính phủ bảo lãnh, có nợ Chính phủ vay về rồi cho vay lại và các khoản nợ này đã được tính đầy đủ theo quy định của luật. Tại khoản 2 điều 1 Luật Quản lý nợ công có ghi, phạm vi nợ công là nợ Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Như vậy, nợ công của Việt Nam tính đến 31/12/2012 tương đương 55,5% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,5%, nợ chính quyền địa phương là 0,9% GDP.

 

Cần giảm áp lực đối với nợ công


Báo cáo “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai” vừa được UBKT của Quốc hội công bố mới đây có nêu: Để đảm bảo tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế, Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của mình từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”.


Trong những năm vừa qua, mô hình tăng trưởng của Việt Nam còn dựa nhiều vào đầu tư (đặc biệt là đầu tư công). Do đó, đầu tư công sẽ phải được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó giảm áp lực đối với nợ công. Cụ thể, Việt Nam cần quan tâm hơn đến kỷ luật ngân sách, nhất là liên quan đến chi tiêu công và đầu tư công; minh bạch thông tin liên quan đến chi tiêu công và đầu tư công, từ đó mới giúp phòng ngừa những rủi ro liên quan đến nợ công.


Báo cáo “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam” cũng đề xuất, Việt Nam nên Thành lập Ban giám sát Nợ công thuộc UBTCNS của Quốc hội. Ban Giám sát Nợ công được quyền truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài từ các bộ/ngành khác của khu vực công bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, DNNN…; từ đó tham mưu cho Quốc hội để đưa ra chính sách phù hợp.


Minh Phương - Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN