Truyền thông sở tại ngày 18/4 dẫn lời Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cho biết nhóm làm việc xử lý rà soát văn bản pháp lý của hiệp định đã kết thúc được 6 chương và đang làm việc với 14 chương còn lại.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho hầu hết các cuộc họp trực tiếp của ASEAN và RCEP trong nửa đầu năm nay phải hủy bỏ, buộc các đối tác đối thoại phải sử dụng hình thức họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp thảo luận rà soát các văn bản pháp lý cho những chương còn lại.
Hội nghị trực tuyến đầu tiên được áp dụng cho cuộc họp của Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP hôm 7/4. Ủy ban này dự kiến sẽ tiếp tục họp trực tuyến từ ngày 20-24/4.
Bà Auramon cho biết việc rà soát các văn bản pháp lý của hiệp định sẽ được kết thúc vào tháng 7 để các thành viên RCEP có đủ thời gian cân nhắc trước khi chính thức ký kết hiệp định vào cuối năm trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Việt Nam.
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán để đạt được RCEP gian nan hơn dự tính. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan tại Thái Lan tháng 11/2019, Ấn Độ vào phút chót đã rút lui do có những vấn đề chưa giải quyết được, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thuế quan nông nghiệp. Ấn Độ sau đó thông báo rằng nước này sẽ không tham gia RCEP trong năm nay khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Việt Nam.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo RCEP tháng 11/2019 khẳng định rằng 15 nước tham gia đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường. Hiệp định này được lên kế hoạch chính thức ký kết trong năm 2020, bất kể có hay không có Ấn Độ, và có hiệu lực trong năm 2021 hoặc tháng 1/2022.
Bà Auramon nhận định việc ký kết RCEP là rất quan trọng đối với khu vực, đặc biệt khi mà đại dịch COVID-19 đang giáng một đòn mạnh vào kinh tế thế giới. Thái Lan hy vọng hiệp định này sẽ thúc đẩy xuất khẩu cũng như nâng cấp các mặt hàng nông sản và lương thực của nước này, nhất là đường, thực phẩm chế biến, bột sắn, tôm và gạo. Hiệp định cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội thương mại và đầu tư mới cho các nhà điều hành Thái Lan, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số, RCEP 15 vẫn là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực.
Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên. Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, khoảng 80% con số kỳ vọng khi khối có đủ 16 thành viên ban đầu là 171 tỷ USD.