Mùa đã lạnh hơn với những cơn bão, những trận lụt tràn bờ bãi. Hiu hiu những cơn gió cuối chiều phả cái lạnh run người lên tấm lưng còng của mẹ nhòa nhòa trong mưa. Con lại dạo quanh những lối hàng rào, những bờ ruộng, bờ mương như một đứa trẻ tự ngày bé dại. Cũng chờ mẹ về, chờ làn khói bếp nhà bay lên, quện vào sương chiều mờ ảo. Lòng rưng rưng những nỗi nhớ thiếu thời...
Khi thiên tai đã lấy đi tất cả những gì quý báu nhất của người dân miền Trung quê tôi, thì rải rác trên những bờ ruộng, hàng rào, vẫn còn đó những món quà quê để có thể dìu nhau bước qua những ngày đói kém. Nhưng có lẽ, vui hơn cả, thú hơn cả là những cái nấm mối nhú lên sau những đợt lạnh dài...
Từ lúc bé, tôi đã chập chững chạy theo ba, theo mẹ, theo chị đi tìm nấm mối. Lúc ấy, hàng rào quanh xóm tôi còn rậm với những bụi tre, bụi dứa, bụi gai kín mít. Thường thì phải tìm rất kỹ, vạch từng lá khô, bụi cây mới thấy nấm mối đang mọc lên, nhất là những lúc trời còn tờ mờ sáng.
Ba mẹ tôi bảo nấm mối hình như cũng là thứ lộc của đất trời. Mà đã là lộc thì ai có duyên mới được hưởng. Bởi thế, có khi cùng một đoạn rào, hàng chục người đi lại, không ai nhìn thấy. Nhưng người cuối cùng, chỉ thoáng một cái là thấy ngay, thấy lộ ra cả ngoài lối đường đi. Và lại có khi, lúc phát hiện ra cũng là lúc những đám nấm đã tàn hết, không thể ăn được. Nhiều khi, tiếc đứt ruột cũng bởi cái sự vô duyên ấy. Nhưng dần dần, mọi người ai cũng hiểu được và chấp nhận như một lẽ thường tình. Nếu thấy đám nấm nhiều, người thấy đầu tiên thường gọi cả xóm cùng nhổ cho vui, để mỗi người được hưởng một chút.
Tâm trí tôi nhớ rõ nhất những sáng mờ mờ đất, đã nghe tiếng các cô chú, anh chị trong xóm gọi nhau đi nhổ nấm mối. Người cầm rổ, người cầm thau, người cầm bao, chạy ra những góc hàng rào đã có người đang nhổ. Nấm nhổ về, sau khi cạo sạch đất ở chân và mũ, ngâm nước thật lâu, nhẹ nhàng rửa sạch. Rồi sau đó, tùy theo sở thích mà chế biến. Xào cũng ngon, nướng lên nhậu cũng rất say mà nấu cháo ai cũng khen nức lòng. Thường thì các gia đình trong xóm tôi hay dùng nấm để xào ăn cơm. Những người trung niên thường thích lai rai vài xị rượu với gói nấm mối nướng cùng tý muối. Rất thơm, ngọt mà lại đượm. Vừa liu riu nhậu, vừa kể chuyện đồng áng sau một ngày vất vả, thì thật không còn gì bằng.
Riêng tôi, nhớ nhất những nồi cháo nấm mối mẹ nấu. Bởi khi mùa nấm mối về cũng là lúc những cơn bão, những trận lụt đã cuốn đi những hoa màu vườn nhà. Gạo trong nhà cũng gần cạn. Những lúc ấy, mỗi khi nhổ được một rổ nấm mối thì cả nhà vui hơn bao giờ hết. Thường, cháo được nấu vào bữa tối, sau khi mẹ đi làm đồng về. Để rồi, trong cái lạnh, khi ngoài trời rả rích mưa đêm, cả nhà quây quần bên nồi cháo nghi ngút khói.
Vừa ngọt vị của cây cỏ, đất đai quê nhà, lại vừa bùi bùi vị của nắng gió mưa sương. Húp một bát cháo vẫn còn đang nóng , nghe đầu lưỡi ấm dần lên, vị ngon cũng dần theo mà vào. Mặc ngoài trời mưa, mặc cho cái đói quẩn quanh vây phủ, cả nhà cứ nói những chuyện vui cùng nhau, bên nồi cháo, trong mái nhà đơn sơ nhưng ấm áp vô cùng...
Thấm thoát, những mùa nấm mối cũng thưa dần. Bão lụt thì vẫn về mà nấm thì không còn nữa. Những hàng rào cứ bị phát sạch đi cho những ngôi nhà mới được xây lên. Cuộc sống dần hiện đại cũng khiến mối quan hệ xóm giềng không còn thân thiết như ngày xưa. Nhưng, ba mẹ tôi vẫn giữ cái lệ vào mùa này, lâu lâu, mỗi sáng, trước khi đi làm lại ra lối hàng rào để xem những cái nấm mối đã nhú lên sau đợt lạnh hay chưa. Dù hiếm hoi lắm mới được vài cái làm vui..
Nguyễn Thành Giang