Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Vĩnh Phúc) đang nỗ lực phấn đấu trở thành trường Cao đẳng nghề chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
"Lò" đào tạo thợ lành nghề
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 là một trong những công trình viện trợ đồng bộ của Liên Xô giúp Việt Nam ban đầu đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật chuyên ngành cơ giới, cơ khí xây dựng, phục vụ cho nhu cầu xây dựng đất nước. Những học sinh tốt nghiệp khóa đầu tiên của nhà trường đã được phân công đi khắp đất nước để xây dựng các công trình thủy điện, nhiệt điện, các nhà máy xi măng. Trong 35 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo gần 40.000 học sinh - sinh viên (HSSV) học các nghề khác nhau. Đây được đánh giá là đội ngũ công nhân lành nghề, thợ kỹ thuật chất lượng góp phần to lớn trong xây dựng và tái thiết đất nước. Nhiều thế hệ HSSV của trường sau khi tốt nghiệp đã có mặt ở nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Sông Đà; thủy điện Trị An, thủy điệnYaly...
Thầy và trò trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 trong giờ thực hành. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, trường Cao đẳng nghề Việt Xô là 1 trong 15 trường được Nhà nước chọn trọng điểm để đầu tư theo hướng xây dựng toàn diện để thành trường cao đẳng nghề chuẩn quốc gia. Đến nay, nhà trường đã có 13 chuyên ngành hệ cao đẳng nghề, 15 chuyên ngành hệ trung cấp nghể và 22 chuyên ngành hệ sơ cấp, mỗi năm có 2.500 - 3.000 HSSV theo học.
Gắn đào tạo với nhu cầu của các nhà tuyển dụng
Thầy giáo Tạ Văn Năm, khoa Cơ khí, trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 chia sẻ: “Chưa bao giờ HSSV của trường lại dễ dàng tìm kiếm việc làm như hiện nay. Hầu hết các lớp học chuẩn bị kết thúc chương trình giảng dạy đã có các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến trường mời các em về doanh nghiệp của mình làm việc với mức thu nhập theo thỏa thuận phổ biến 5 - 6 triệu đồng và mức cao hơn là trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục nhận lao động đi các nước là HSSV đã tốt nghiệp các ngành nghề của trường. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí... trong và ngoài nước đã đưa công nhân về trường yêu cầu đào tạo thợ hàn 4G, thợ hàn công nghệ cao.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay ngoài tiêu chuẩn bằng cấp khá giỏi, thì họ quan tâm đến trình độ tay nghề. Chính vì vậy nhà trường luôn xác định học phải đi đôi với hành trên máy móc hiện đại tiên tiến. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn như Toyota, Honda, Piagio... để các HSSV được thực hành. Từ đó, để HSSV vừa được tiếp cận trang thiết bị mới, hiện đại, vừa học tác phong và kỷ luật lao động của doanh nghiệp có uy tín. Vì thế, có tới hơn 90% HSSV của trường sau tốt nghiệp đã có việc làm, thu nhập ổn định.
Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Lịch