Hôm qua (9/7), thí sinh tham dự kì thi ĐH đợt 2 các khối B, C, D và năng khiếu đã hoàn thành 2 môn thi đầu. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, đề thi Địa lí đã gây được sự hứng thú cho thí sinh khi tiếp tục đề cập đến vấn đề thời sự biển đảo, đúng theo xu hướng ra đề thi gần đây của Bộ GD-ĐT. Các môn thi còn lại có tính phân loại cao.
Tự tin với nội dung biển đảo
Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, đa số các thí sinh tỏ ra thích thú với nội dung của đề thi Địa lí năm nay. Thí sinh Mai Lê Công Hiệp, thi khối C vào trường ĐH Cảnh sát nhân dân, cho biết: “Đề thi Địa lí mang tính thời sự khi đề cập đến vấn đề biển đảo. Đây cũng là cơ hội để chúng em gỡ điểm vì phần này được thầy cô ôn tập rất kỹ. Trong đề thi, em thấy thích thú với câu 2 có nội dung: “Tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển”. Câu hỏi này yêu cầu chúng em phải biết sáng tạo và trình bày quan điểm riêng của mình. Em làm câu này khá tốt và tự tin mình có thể đạt 7 - 8 điểm”.
Sinh viên tình nguyện cõng thí sinh bị thương, sau giờ thi môn Toán (khối B) tại Hội đồng thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Tại các hội đồng thi ĐH An ninh nhân dân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, sau khi hết thời gian làm bài thi Địa lý, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, vui vẻ. Thí sinh Đỗ Anh Quân, thi vào trường ĐH An ninh nhân dân, vui vẻ cho biết: “Đề thi không khó, tất cả nội dung đều nằm trong chương trình ôn thi tốt nghiệp nên em tự tin mình làm được khoảng 80%”.
Tại Hà Nội, kết thúc 3 tiếng làm bài và ra khỏi phòng thi, hầu hết các thí sinh đều thống nhất: Đề thi mang tính thời sự, đòi hỏi kiến thức xã hội. Những câu biển, đảo đều thú vị đối với các em. Đây là những câu không gây áp lực cho thí sinh vì chỉ cần dựa vào kiến thức thực tế, am hiểu xã hội là các em có thể làm được. Em Lê Văn Hiệp (trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang, dự thi khối C, trường ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Trong câu hỏi về ý nghĩa của biển đảo, em nêu bật phần phát triển các ngành nghề đánh bắt thủy hải sản góp phần cải thiện kinh tế”.
Các thầy cô dạy ôn thi ĐH môn Địa lý cũng đánh giá, đề thi mang tính tổng hợp cao, vừa sức đối với các thí sinh, chỉ cần nắm kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 6 - 7. Cô Minh Mây, giảng viên dạy Địa lý tại Trung tâm luyện thi ĐH Trí Nhân cho biết, đề thi còn thể hiện nhiều mảng nội dung như lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ, kinh tế vùng miền, vị trí địa lý ảnh hưởng tới kinh tế vùng miền…
Môn thi vừa sức, có tính phân loại
Bên cạnh môn Địa lí, các môn thi còn lại cũng được thí sinh đánh giá là khá vừa sức. Môn Toán khối B và khối D đều có điểm chung là gây khó cho thí sinh ở câu về tìm giá trị lớn nhất (bất đẳng thức). Các thí sinh cho rằng, câu hỏi về bất đẳng thức luôn là điểm khó nhất của đề thi ĐH hằng năm và chỉ học sinh rất giỏi mới làm được.
Thông tin của Bộ GD-ĐT, trong ngày thi đầu tiên của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt II, trên cả nước có 125 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (trong đó, khiển trách: 34; cảnh cáo: 10; đình chỉ: 81). Số thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu do mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi. Có 2 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý khiển trách. |
Ra sớm 15 phút so với thời gian quy định, thí sinh Mai Anh (Tuyên Quang) thi khối B vào ĐH Tài nguyên - Môi trường cho biết, em bỏ mất câu về tìm giá trị lớn nhất vì quá khó. Ngoài ra, câu về hệ phương trình cũng không làm được do không ôn kĩ.
Hầu hết các thí sinh được hỏi tại trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng đều không làm được câu bất đẳng thức ở đề thi Toán khối B. Theo các em, dạng bất đẳng thức này khá lạ, chưa gặp bao giờ và không thể tìm ra đáp án cuối cùng. Đề bất đẳng thức yêu cầu tìm giá trị lớn nhất của biểu thức có nhiều số căn gây rối, nhầm lẫn cho thí sinh. Ngoài ra, đề thi Toán khối B năm nay còn có cả câu về xác suất nằm ngoài dự tính của thí sinh vì hầu hết các em đều không ôn tập phần này.
Buổi chiều, tại hội đồng thi ĐH Khoa học và Tự nhiên Hà Nội không có thí sinh ra sớm. Hầu hết các thí sinh ở hội đồng này nhận định, đề thi Sinh học vừa sức với thí sinh. Một số em bất ngờ vì phần lý thuyết nhiều, chiếm khoảng hơn 60% lượng câu hỏi. Phần lý thuyết về di truyền và tiến hóa được các thí sinh nhận định là khá dễ dàng. Tuy nhiên, phần bài tập về phân tử, sinh học tế bào, quy luật di truyền… được đánh giá là tương đối khó. Nếu không nắm vững kiến thức, đọc nhanh và bấm máy tính chính xác thì khó lòng có thể làm tốt phần bài tập. Thí sinh Đỗ Quyên (quê Hưng Yên) cho biết: “Đề thi năm nay có khoảng 10 câu khó, chủ yếu thuộc phần hoán vị gen. Em khá bất ngờ vì lý thuyết năm nay nhiều và tương đối dễ. Làm chắc lý thuyết khiến em tự tin hơn rất nhiều”.
Tại ĐH Luật Hà Nội, nhiều thí sinh ra sớm khi hết 2/3 thời gian làm bài môn Sử. Theo đánh giá chung, đề năm nay không bất ngờ, không khó, sát chương trình. Với cách ra đề truyền thống, không đánh đố thí sinh, nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa, thí sinh chỉ cần nắm chắc toàn bộ kiến thức có thể làm được. Ngược lại, với môn Ngoại ngữ, các thí sinh lại cho rằng khó hơn năm ngoái, đặc biệt là phần đọc hiểu. Thí sinh Đỗ Thị Huyền Trang (lớp chuyên Anh, THPT chuyên Cao Bằng), dự thi khối D1 khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: “Đề thi Ngoại ngữ có bài đọc khó, nhiều từ mới, đáp án lằng nhằng, gây phân vân cho thí sinh. Hơn nữa, bài đọc khá dài, nội dung đề cập công nghệ thông tin, toàn cầu hóa. Mặc dù chủ đề khá hay nhưng thí sinh khó hiểu được và làm đúng”.
Hoàng Tuyết - Đan Phương - Nam Hoàng - Thu Trang