Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Sơn La hiện có 8.299 người nghiện ma túy, trong đó hơn 3.000 đối tượng là thanh niên. Thực trạng này cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống "cái chết trắng" ở Sơn La vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chăm sóc vườn rau của học viên Trung tâm Giáo dục - Lao động tỉnh Sơn La (Trung tâm cai nghiện tỉnh). Ảnh: ANTĐ |
Bà Hoàng Bích Thủy, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La cho biết: Trung tâm có khoảng 250 cán bộ quản lý với tổng số 1.650 học viên. Mỗi học viên có một hoàn cảnh khác nhau, có người từng là cán bộ, người làm nghề tự do, trẻ có, già cũng có và họ có điểm chung duy nhất là nghiện ma túy, vào trung tâm với mục đích cai nghiện. Trung tâm đang áp dụng quy trình cai nghiện 5 bước là cắt cơn, phục hồi, chữa trị và lao động, dạy nghề trong 2 năm. Các học viên được đào tạo nghề chăn nuôi, kỹ thuật ươm cây giống, chăn nuôi thủy sản, sửa chữa động cơ máy... Kết thúc thời gian giáo dục, học viên sẽ được giới thiệu về địa phương, hoặc các doanh nghiệp tham gia sản xuất, hòa nhập cộng đồng.
Trong số các học viên đang được đào tạo ở đây, trường hợp anh La Văn Dũng (55 tuổi) nguyên là kiểm lâm viên, hạt kiểm lâm huyện Mộc Châu thật thương cảm. Sau một thời gian được giao nhiệm vụ vào xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu công tác, anh đã dính vào "cái chết trắng" lúc nào không biết. Cuộc sống rừng núi heo hút, cô đơn, trong một lần uống rượu say, anh đã không làm chủ được mình trước những lời khích bác của bạn bè và đã dính vào ma túy. Mấy lần quyết tâm cai nghiện nhưng không thành, anh tỏ ra chán nản, tuyệt vọng, bỏ bê công việc. Song những lúc nghĩ tới vợ con, anh lại có thêm nghị lực để phấn đấu.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc, anh Dũng quyết tâm đi cai nghiện, song sau mỗi lần cai thành công, anh lại mắc nghiện trở lại, cũng chính vì thế mà người vợ sau bao năm chung sống cũng đã bỏ anh đi nơi khác. Anh Dũng tâm sự: “Ma túy dẫn đến cảnh gia đình tan vỡ, lần này tôi quyết tâm cai cho bằng được với hy vọng vợ con sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của tôi”.
Còn Hà Văn Hân (26 tuổi) ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu từng làm bí thư chi đoàn xã cũng có một hoàn cảnh trớ trêu. Khi trúng tuyển vào học ở Trường cao đẳng nghệ thuật Hòa Bình, Hân là niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Quá trình học ở trường, Hân đem lòng yêu một cô gái trẻ mà Hân không hề biết người đó bị nhiễm HIV và đã lây bệnh sang mình. Biết sẽ không giấu được, Hân nói sự thật với gia đình, mong sự thông cảm. Song, trái với hy vọng của mình, Hân bị chính những người thân hắt hủi, khinh rẻ. Hân đã 3 lần tìm đến cái chết, nhưng đều không thành. Sau những lần đó, Hân càng tỏ ra quý trọng cuộc sống hơn và anh đã quyết định tình nguyện vào làm công tác tuyên truyền của xã về công tác phòng chống HIV với quan niệm, mình bị HIV thì mình phải giữ cho người khác chứ không để người khác đề phòng mình. Tuy nhiên, khi đi tuyên truyền, Hân thường bị những người dân trong xã tránh mặt. Chán nản, Hân tìm đến ma túy, coi đó như một sự tự giải thoát cho chính mình.
Hân tâm sự: Thời gian ở trại đã giúp em trưởng thành hơn rất nhiều, giờ em chỉ mong mình sớm có thể cai nghiện để có thể tiếp tục đi tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tác hại của ma túy và nhất là HIV, giải thích cho họ hiểu và không có những hành vi phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV nữa.
Để quản lý tốt hơn 1.600 người mắc nghiện vào nền nếp, Trung tâm chia thành 25 buồng, mỗi buồng có từ 50 - 60 học viên, một buồng trưởng là học viên tích cực do anh em trong buồng bầu ra, với nhiệm vụ khuyên bảo anh em từ lời ăn tiếng nói, nếp sống sinh hoạt cá nhân và mối quan hệ giao tiếp, thực hiện các quy định của trung tâm. Vì thế, nhiều năm qua, tại Trung tâm chưa có trường hợp gây mất đoàn kết. Nơi đây, học viên đều tích cực lao động sản xuất, là nơi hoàn lương cho những mảnh đời lầm lỡ.
Công Luật