Nỗi lo tăng trưởng tín dụng thấp

Theo một số chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng thấp của Việt Nam kéo dài từ đầu năm đến nay là phản ứng tự nhiên của nền kinh tế. Ngân hàng sau một thời gian tăng trưởng nóng, nay buộc phải hãm đà để giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các khoản nợ; đồng thời tập trung đầu tư vào các khoản tài chính an toàn hơn.

 

Tăng hạn mức tín dụng


“Để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, từ năm 2011, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra trần mức tăng trưởng tín dụng là 20%, cào bằng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Đến đầu năm 2012, NHNN đã phân bổ tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cho 4 nhóm khác nhau (nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng)”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phân trần. Theo NHNN, tính đến đầu tháng 7/2012, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,51% so với cuối năm 2011, trong đó có 69 TCTD giảm tăng trưởng, 57 TCTD tăng trưởng.


 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Tuy nhiên mới đây, NHNN đã cho phép 10 TCTD có tài chính lành mạnh, đã có tăng trưởng tín dụng đạt trên 50% chỉ tiêu thông báo của NHNN từ đầu năm sẽ được tăng hạn mức (room) tín dụng. Như vậy, thay vì các mức tăng trưởng 17%, 15%, 8% và 0%/năm dành cho 4 nhóm ngân hàng như trước thì đến nay, chỉ tiêu tăng trưởng có thể lên đến 30% ở một số ngân hàng. Hiện mới có 5 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố được tăng room tín dụng là: Ngân hàng Quân đội (MBBank) là 25%; Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) là 27%; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) là 30%.


Lãnh đạo một số ngân hàng được tăng room tín dụng cho rằng: Để đón đầu mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, việc xin nâng room tín dụng là điều cần thiết. Bởi việc phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên năng lực của các ngân hàng ngay từ đầu năm đã làm hạn chế sự phát triển hoạt động cho vay, đặc biệt là ở những ngân hàng nhóm 2, nhóm 3.


Đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ: Ngân hàng sẽ trình NHNN xin tăng room để có thể tăng cho vay vào dịp cuối năm. Tuy nhiên trước mắt, OCB vẫn sử dụng room tín dụng còn lại trong tổng hạn mức được cấp là 15% từ đầu năm nay. Tính đến giữa tháng 8/2012, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt khoảng 7% so với chỉ tiêu ngân hàng có được là 15%. Còn theo Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng, việc tăng room tín dụng là điều kiện tốt trong phát triển hoạt động cho vay. Vì thế, HDBank đã xây dựng kế hoạch kinh doanh mới khi được NHNN cho phép nâng room tín dụng từ mức 10% lên 30%.

 

Khó khăn khi đẩy mạnh nguồn vốn vay


Theo HDBank, ngân hàng này sẽ dành room tín dụng mới đẩy mạnh cho vay ưu tiên đối với các khách hàng hoạt động xuất khẩu, khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất - kinh doanh, công nghiệp phụ trợ… với lãi suất ưu đãi từ 12 - 12,5%/năm. Đặc biệt, có những khách hàng doanh nghiệp nhà nước được hưởng mức lãi suất dưới 10%/năm.


Tuy nhiên, phía NHNN cũng bày tỏ băn khoăn việc các TCTD đạt được mức tăng trưởng theo đúng kế hoạch đã điều chỉnh là hết sức khó khăn bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, khơi thông dòng tiền, hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn... Đồng tình quan điểm này, một số ngân hàng chia sẻ: Dù được tăng hạn mức tín dụng nhưng muốn đẩy mạnh nguồn vốn vay trong bối cảnh hiện nay không hề đơn giản.


Đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết: Đến thời điểm này chưa thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bởi sự hấp thu vốn của doanh nghiệp vẫn còn khá chậm. So với các năm, mùa kinh doanh cuối năm nay có thể khó sôi động bằng, nhưng nhu cầu vốn của DN chắc chắn sẽ cao hơn những tháng qua. Do đó, quý IV sắp tới được ngân hàng kỳ vọng sẽ là cú hích cho hoạt động tín dụng.


Theo một số chuyên gia tài chính, có 2 nguyên nhân chủ yếu lý giải cho “điểm nghẽn tín dụng” là: Thứ nhất, khách hàng hoạt động tốt không thực sự muốn vay mặc dù lãi suất đã giảm xuống nhưng vẫn cao, có tâm lý chờ lãi suất giảm xuống nữa mới vay. Thứ hai, những khách hàng rủi ro không được vay do không đáp ứng được các điều kiện vay và ngân hàng lo ngại nợ xấu gia tăng. Nợ xấu đang trở thành vấn đề gây ách tắc dòng chảy tín dụng. Chính vì vậy hiện nay, cuộc đua tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay của các ngân hàng càng trở nên khốc liệt hơn khi thời gian còn lại của năm không nhiều. Đây cũng chính là nghịch lý khiến các ngân hàng phải đau đầu.


Bên cạnh đó, trong bối cảnh tín dụng vẫn tắc đầu ra và nợ xấu còn chất cao như núi, các doanh nghiệp "khỏe" thường có cơ cấu nợ hợp lý và quản trị dòng tiền tốt. Do đó, xu hướng thoái nợ - giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, đang được nhóm doanh nghiệp này áp dụng. Vì thế, ngân hàng càng "đói" khách hơn và càng phải tham gia cuộc đua tìm khách hàng tốt gắt gao hơn. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo khả năng cả năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ thấp so với mục tiêu định hướng 15 - 17% từ đầu năm. 



Minh Phương

Đẩy mạnh huy động vốn phục vụ chương trình tín dụng HSSV
Đẩy mạnh huy động vốn phục vụ chương trình tín dụng HSSV

Quỹ Tín dụng đào tạo nhằm đẩy mạnh đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước, được thành lập theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg, ngày 2/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển công tác giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN