Nông dân gặp khó do khai khoáng và đập thủy lợi

Trong khi nông dân mọi nơi đang tấp nập xuống đồng gieo cấy lúa xuân chính vụ, thì nhiều cánh đồng ở xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khô hạn không thể cày bừa, làm đất, cấy lúa do thiếu nước. Nguyên nhân từ việc khai thác khoáng sản và xây dựng công trình thủy lợi bất hợp lý.

 

Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khánh, than thở: Trong những ngày này, ông vừa phải đi kiểm tra dân đưa nước về đồng, vừa phải bố trí thời gian lên Công ty Than Khánh Hòa bàn bạc phương án đền bù, hỗ trợ người dân vùng sụt lún, mất nước do khai thác mỏ trong năm tới như thế nào... Là xã cửa ngõ của huyện, tiếp giáp với TP Thái Nguyên, lại có một số cơ sở công nghiệp lớn đóng trên địa bàn, nhưng An Khánh vẫn là một trong những xã nghèo ở Đại Từ. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, song việc làm lúa, làm màu lại liên tục gặp khó. Tại xóm Ngò và xóm Đồng Bục, từ năm 2010 đến nay, nước giếng, nước ao, nước mặt ruộng của một số hộ tự dưng "chui" hết vào lòng đất, gây nên tình trạng khô hạn, không thể trồng cấy.


Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh năm 2011, nguyên nhân gây mất nước ở đây do Công ty Than Khánh Hòa thi công đường lò rìa lộ thiên để khai thác than đã bục nước trong đường hầm với lưu lượng rất lớn, khoảng 400 m3/giờ, gây nên tình trạng mất nước trong khu vực. Sở Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu Công ty Than Khánh Hòa dừng việc thi công để tìm biện pháp khắc phục và phương án hỗ trợ cho nhân dân. Tuy nhiên, việc thi công hầm lò khai thác tại rìa moong than lộ thiên vẫn tiếp tục thực hiện mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Giải pháp duy nhất từ khi có kết luận của cơ quan chức năng đến nay là Công ty Than Khánh Hòa mới hỗ trợ hơn 200 triệu đồng đền bù hoa màu, sản lượng cho người dân bị ảnh hưởng trong vụ vừa qua.


Trước tình trạng thiếu nước chưa thể khắc phục, UBND xã đã quyết định chuyển đổi diện tích cấy lúa bị mất nước tại 2 xóm trên sang trồng ngô và tiếp tục bàn bạc với lãnh đạo Công ty Than Khánh Hòa phương án hỗ trợ chênh lệch... Từ thực tế này, hiện nay một số người dân đã nảy sinh tư tưởng không cần sản xuất mà vẫn được hỗ trợ, bỏ hoang đồng đất chờ tiền đền bù... Ông Dũng cho biết thêm, để giải quyết tận gốc vấn đề này, xã đã đề nghị xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng dài khoảng 1.500 m và 1.000 m đường ống sắt bơm nước từ trạm bơm Tân Bình lên đến đỉnh cao của xóm Đồng Bục rồi đưa nước về đồng với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, nhưng hiện nay phương án này vẫn chưa được chấp thuận trong khi xã không có nguồn để đầu tư...


Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sản xuất ở An Khánh còn do một công trình thủy lợi mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013 tại xóm Đạt. Theo thiết kế, đập nước này xây dựng để ngăn nước từ hồ Phượng Hoàng dẫn vào hệ thống kênh tưới phục vụ sản xuất cho diện tích gần 300 ha của 9 xóm thuộc địa bàn xã. Thế nhưng, công trình kiên cố này lại không ngăn được nước mà để nước chảy qua mặt đập, ra suối, ra sông, gây lãng phí nước rất lớn. Lãnh đạo địa phương hỏi cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh thì đều được trả lời là đập được thiết kế chuẩn, được thi công theo đúng thiết kế. Để kịp thời vụ gieo cấy, ngày mùng 5 Tết, lãnh đạo xã đã quyết định cho nhân công xây nối cao mặt đập để dâng nước dẫn vào mương. Nhiều người dân cho biết, ngay từ khi xây dựng, bà con đã nhiều lần có ý kiến nhưng cả đơn vị thiết kế và đơn vị thi công đều bỏ ngoài tai những góp ý của người dân bản địa nên con đập thủy lợi mới biến thành "thủy hại" nếu bà con không tự đắp cao thêm.


Hoàng Thảo Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN