Nông dân hưởng lợi ít từ lúa gạo

Nông dân trồng lúa là đối tượng chịu rủi ro nhiều nhất nhưng lại là người được hưởng lợi nhuận ít nhất trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở Việt Nam. Nghịch lý này đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học nhưng khắc phục thì chưa thể một sớm một chiều.


Rủi ro cao, thu nhập thấp


Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (IPSARD): “Sản xuất lúa gạo là một lợi thế quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, cũng là nguồn sinh kế và việc làm của đa số hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị của hạt gạo, người nông dân thu được lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác”.


Để đảm bảo lợi nhuận ít nhất 30% cho nông dân trồng lúa theo như mong muốn của Chính phủ là không dễ dàng. Các doanh nghiệp hiếm khi mua thóc gạo trực tiếp từ nông dân, mà thông qua thương lái. Trong khi đó, càng nhiều khâu trung gian, thì lợi nhuận của người nông dân càng giảm”, ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược và chính sách (IPSARD) cho biết.


Theo một cuộc điều tra của tổ chức quốc tế Oxfam (chuyên về xóa nghèo đói và bất công) phối hợp với IPSARD về việc “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao” cho thấy, 80 - 90% gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bán thóc tươi tại bờ ruộng. Đặc thù này còn khiến người nông dân rất khó “đón” được sự hỗ trợ của Nhà nước về mua tạm trữ thóc gạo hay chờ giá gạo trên thị trường thế giới lên cao. Những nguồn lợi ấy đương nhiên rơi vào tay các thương lái mua gom thóc và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.


Trong cuộc khảo sát của IPSARD và Oxfam tại An Giang, nông dân cho biết, vụ đông xuân 2010, Nhà nước quy định giá sàn mua lúa 4.000 đồng/kg, các doanh nghiệp lấy lý do khó tìm được đầu ra chỉ mua thóc của nông dân với giá 3.500 đồng/kg, nhưng thực tế giá gạo xuất khẩu quy thóc 5.178 đồng/kg.


Thực tế, tại nhiều thời điểm, tuy thương lái mua lúa khoảng 4.500 đồng/kg, nhưng giá gạo bán cho người tiêu dùng thấp nhất cũng khoảng 10.000 đồng/kg. Phần lớn nông dân cũng không thể giữ lúa để đợi cho giá lên vì thu hoạch xong là phải bán lúa trả nợ vay ngân hàng, trả tiền mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu và các chi phí đầu vào khác.


“Qua nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, đã có trường hợp người nông dân đã tự gom lúa, gạo để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Nhà nước, không qua thương lái thu gom. Nhưng các doanh nghiệp này lại không mua trực tiếp từ nông dân. Do vậy, người dân lại buộc phải bán cho thương lái dù biết bị ép giá”, ông Trần Công Thắng cho biết.


Vì vậy, GS Võ Tòng Xuân, chuyên giá lúa gạo, Hiệu trưởng đại học An Giang cho rằng, nông dân là lực lượng được hưởng lợi ít nhất, nhưng họ lại là đối tượng phải chịu rủi ro nhất trong chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo.


Hiến kế tổ chức sản xuất bền vững


Ông Andy Baker, Trưởng đại diện Oxtam tại Việt Nam khẳng định: “Để phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, hiệu quả, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ tập trung vào người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc, để họ nhận được những đầy đủ hỗ trợ của Nhà nước”.


Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện IPSARD, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, có sự hỗ trợ nhiều hơn cho người nông dân để đảm bảo giá thu mua lúa gạo tốt hơn. Phân chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người nông dân hợp lý hơn.


Còn theo GS Võ Tòng Xuân, ở Nhật Bản, nông dân tham gia sản xuất lúa gạo theo mô hình hợp tác xã. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai trực tiếp tại hợp tác xã. Các hợp tác xã này sẽ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất. Cách làm này giúp hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong vấn đề kỹ thuật, giống, tưới tiêu, phân bón.


Về lâu dài, ông Trần Công Thắng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa được đầu tư tốt hơn về giống, hệ thống thủy lợi... để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó, giúp cho người nông dân và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn, giảm bớt các khâu trung gian trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo. Giúp cho người dân tăng thêm thu nhập.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN