Qua nhiều khâu trung gian phân phối, nông sản khi đến tay người tiêu dùng bị đẩy giá lên cao hơn nhiều so với giá thành. Để giải quyết tình trạng này, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ, siêu thị đã chủ động liên kết với các nhà sản xuất nông sản để chủ động nguồn hàng và kiểm soát giá hiệu quả.
Đưa nông sản vào siêu thị
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày người dân TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt lợn. Hiện nay, nguồn thịt lợn chăn nuôi tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Ông Văn Ðức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, để chủ động về nguồn hàng, đơn vị đã ký kết hợp tác với các trang trại, DN chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh lân cận thành phố. Tương tự, hệ thống siêu thị thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cũng đã đầu tư 7 dự án vào vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Người dân tham gia dự án sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ vốn... nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Hàng nông sản được bày bán trong siêu thị BigC Ninh Bình. Ảnh: Anh Minh - TTXVN |
Trong khi đó, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng đã triển khai liên kết, hợp tác qua hình thức cung ứng giống cho người dân, hợp tác xã ở 13 tỉnh, thành để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao. Riêng Saigon Co.op đang thực hiện 5 dự án đầu tư với khoảng 700 tỷ đồng/năm vào khâu sản xuất, phân phối những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả... để tạo nguồn hàng ổn định với giá cả cạnh tranh.
Tại thị trường Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, Hapro vừa là nhà bán hàng, vừa là nhà sản xuất. “Hapro đã liên kết với các tỉnh trong toàn quốc về nguồn hàng, tham gia chương trình xúc tiến thương mại của các tỉnh. Nhờ đó, chúng tôi chọn lọc được nguồn hàng hóa thực phẩm, nông sản có chất lượng của các vùng miền để đưa vào hệ thống phân phối của mình”, bà Hiền cho hay.
Rõ ràng, việc liên kết giữa nhà sản xuất nông sản và các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đã mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, các DN có thể chủ động về nguồn hàng hóa cho chính mình, hạn chế được tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến tăng giá. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (Fivimart) cho biết, hai bên cùng hợp tác để cung ứng cho thị trường hàng hóa với giá cả và chất lượng tốt nhất.
Thực tế, Fivimart đã cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, rau xanh với giá tương đương với các chợ truyền thống. Nhất là vào thời điểm mưa bão, ngay cả khi các chợ truyền thống giá cả thất thường nhưng Fivimart vẫn làm tốt công tác bình ổn giá. “Chúng tôi liên kết với các HTX tại Mộc Châu, Sơn La nên đợt bão vừa qua người dân Hà Nội vẫn có rau xanh với giá thấp. Chúng tôi có sự chọn lọc các nhà sản xuất đảm bảo về giá cả, chất lượng thì mới quyết định liên kết”, bà Hậu cho biết.
Nông dân hưởng lợi
Từ lâu, việc liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hàng hóa đã được các DN trong nước quan tâm song vì tập quán sản xuất của người dân ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên phân phối hàng hóa vẫn phải qua nhiều tầng lớp trung gian và hiệu quả liên kết chưa cao.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2010 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 2 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh trên cả nước, bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.
Chẳng hạn như tại An Giang, trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, tỉnh đã chọn ra 2 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm. Với sản phẩm lúa, một doanh nghiệp đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75 ha. Với mặt hàng cá tra, một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với 8 hộ nuôi cá. Kết quả là, các hộ trồng lúa tham gia mô hình đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ha, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/ha. Các hộ nuôi cá tra tham gia mô hình đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình.
Không dừng lại ở việc triển khai mô hình, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết với các siêu thị (Co.opmart, Hapro, Intimex...) để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. “Để phát triển hệ thống phân phối cho hàng nông sản, vấn đề đầu tiên cần nhắc đến là các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông sản phải chủ động khâu phân phối, giảm bớt khâu trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo giá cả hợp lí nhất. Chúng tôi sẽ bổ sung cơ chế, chính sách, xây dựng đề án đổi mới kinh doanh nông sản theo hướng hiện đại để tạo điều kiện cho các DN phát triển”, ông Năm cho biết.
Hoàng Dương - Lê Nghĩa