Nhằm giữ chân khách hàng sau khi trần lãi suất huy động hạ xuống còn 13%/năm, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá trị tiền tỷ. Tuy nhiên, gần đây còn có hiện tượng một vài ngân hàng đã “gật đầu” với khách hàng ở mức 15 - 16% cho lãi suất huy động (tăng 2- 3% so với quy định).
Khuyến mãi chồng khuyến mãi
Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm còn tối đa 13%/năm như hiện nay thì ngân hàng nào có chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhất sẽ là nơi khách hàng “chọn mặt gửi tiền”. Do vậy, từ đầu tháng 3 đến nay, các ngân hàng đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, thậm chí “khuyến mãi chồng khuyến mãi” nhằm giúp khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi nhất.
Điển hình: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn (SCB) đang triển khai chương trình “Ưu đãi dành cho khách hàng bán USD/vàng gửi tiền VND” với thời gian kết thúc là ngày 5/6. Theo đó, khách hàng tham gia sẽ được SCB áp dụng giá mua cao hơn giá niêm yết tại thời điểm thực hiện giao dịch từ 0,1% đến 0,3% với USD và từ 100.000 đến 300.000 đồng/lượng với vàng.
Ngân hàng ABBank lại sôi nổi với chương trình “Tiết kiệm VND kỳ hạn 1 ngày”. Theo đó, khách hàng gửi từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 4,5% - 4,8%/năm; đồng thời, lãi suất sẽ nhập vốn gốc sau 24 giờ một lần và được điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Không nằm ngoài cuộc đua lãi suất huy động, “ông lớn” Vietcombank cũng triển khai chương trình khuyến mại "Quà tặng kim cương", từ ngày 26/3- 23/6. Theo đó, với 10 triệu đồng hoặc 500 USD trở lên, khách hàng sẽ được tham gia 3 cơ hội dự thưởng với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng…
Vượt xa trần lãi suất
Theo nhận định của người gửi tiền, tất cả các hình thức khuyến mãi trên đều giúp lãi suất tiền gửi tăng cao hơn so với lãi suất trần quy định. Bên cạnh việc hưởng khuyến mãi, có trường hợp người gửi vẫn có thể thỏa thuận được lãi suất ưu đãi lên đến 16%/năm. Anh Xuân Bắc tại thành phố Nha Trang cho biết: Lãi suất vượt trần được quy ra tiền mặt, cộng vào vốn gốc và trên sổ sách, nhưng lãi suất trên giấy tờ vẫn giữ mức 13%/năm đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tại Hà Nội, ngày 29/3, trong vai một khách hàng gửi tiền, phóng viên đã “mục sở thị” tại chi nhánh của một ngân hàng TMCP, nhân viên giao dịch nói: “Nếu gửi 500 triệu đồng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi là 15% với thời hạn gửi là 1 tháng”. Trong khi đó tại một ngân hàng của Nhà nước, khi khách hàng muốn thỏa thuận lãi suất gửi tiền, nhân viên giao dịch nói: “NHNN đã quy định nên chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc. Nếu không thực hiện đúng, giám đốc chi nhánh sẽ bị cắt chức”…
Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, từ những hình thức khuyến mãi huy động vốn trên cho thấy, các ngân hàng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính xuất phát từ chỗ một số ngân hàng nhỏ vẫn đang loay hoay với thanh khoản kém. Các ngân hàng này từ cuối năm 2011 đã phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao và trả nợ một cách rất vất vả. Đến nay, mặc dù lãi suất thị trường liên ngân hàng đã giảm nhưng muốn vay cũng không phải dễ. Vì vậy, họ đành tìm cách đẩy lãi suất huy động lên cao để bù đắp thiếu hụt. Các ngân hàng lớn cũng ưu tiên đẩy mạnh huy động vốn để củng cố thanh khoản và tạo nguồn cho hoạt động tín dụng, đồng thời tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn. Mặt khác, việc cào bằng trần lãi suất huy động đã gây mất tính hấp dẫn cho các ngân hàng nhỏ, nhất là khi Chính phủ đưa ra hạn mức tín dụng cho 4 nhóm ngân hàng. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu NHNN không có sự kiểm soát chặt chẽ, có thể sẽ “nóng” trở lại tình trạng “đi đêm” lãi suất như năm 2011.
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nói: “Chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh về hiện tượng “lách” trần lãi suất huy động. Tôi cho rằng, cần phải làm rõ việc này, trường hợp nào sai phải xử lý. Không thể để chủ trương chính sách đưa ra lại không thực hiện”.
Hải Yên - Minh Phương