Lãi suất thấp, NHTM lo ngại rủi ro Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, sau thời gian triển khai cho vay lĩnh vực NNCNC, ngành ngân hàng đang có dư nợ 3.700 tỷ đồng đối với 25 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp NNCNC.
Đại diện Ngân hàng Agribank chia sẻ: Ngân hàng này đang triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này bằng nguồn huy động, hiện đã cho vay được 400 tỷ đồng cho 14 khách hàng với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường từ 0,5- 1,5%/năm.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng HDBank. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN |
Phía Ngân hàng Vietcombank cũng vừa chủ động tìm kiếm và hoàn tất hợp đồng tín dụng 500 tỷ đồng cho dự án sản xuất trứng gà sạch cách đây 1 tháng.
Tuy nhiên Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cũng lo ngại về quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương còn chưa rõ, phát triển manh mún; việc cấp giấy chứng nhận NNCNC còn chậm. Các ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính,…) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao.
Còn Phó Tổng giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái cho hay, ngân hàng cho vay NNCNC nhưng khách hàng cũng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro. Còn nếu tài sản nhỏ lẻ thì khó cho vay vì liên quan tới cá nhân người quyết định cho vay và các đánh giá của cơ quan tố tụng, thi hành án.
Trước mức lãi suất thấp của gói tín dụng này cũng như nguy cơ rủi ro cho vay, đại diện Vietcombank đã đề nghị gói này cần có pháp lý quy định trách nhiệm các cá nhân liên quan và nguồn vốn thực hiện trong bối cảnh Thông tư 36 của NHNN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp đang bó hẹp tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tỷ lệ giới hạn an toàn tín dụng.
Hoàn thiện khung pháp lý để giảm thiểu rủi ro
Theo NHNN, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng phát triển NNCNC là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định. Theo đó, khách hàng phải có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ NN-PTNT.
Tại buổi họp với các bộ, ngành về triển khai Nghị quyết số 30 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phát triển NNCNC mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của gói tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch để phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong bối cảnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chững lại.
“Khi Chính phủ công bố gói này thì được giới doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ. Các bộ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai gói này, không để xã hội phải thất vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hiện Chính phủ đã có hàng lang pháp lý để thực hiện phát triển NNCNC nhưng để tạo ra khung khổ thống nhất thì Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN ban hành Quyết định của Thống đốc NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện gói tín dụng này theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước khi sửa đổi Nghị định số 55 và Thông tư số 10 (dự kiến trong quý II/2017). Theo thẩm quyền, Thống đốc NHNN xem xét cho doanh nghiệp tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNCNC, linh hoạt trong quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực, nếu quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
NHNN chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay NNCNC từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay. Các NHTM đẩy mạnh truyền thông quảng cáo chương trình tín dụng này để tạo điều kiện tiếp cận công khai, minh bạch tới các đối tượng vay. NHNN chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT giám sát định kỳ kết quả chương trình tín dụng cho nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng.
Tin tưởng lĩnh vực này không rủi ro lớn, Phó Thủ tướng cũng giao NHNN nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn NNCNC thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp. Để hỗ trợ các ngân hàng, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để ban hành trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn thêm.
“Hiện việc cho vay đối với lĩnh vực NNCNC gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề về tài sản bảo đảm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới,.. để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Ngoài ra, việc đầu tư cho NNCN cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài vì vậy cần phải có định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả”, đại diện NHNN nói.