Nuôi con chữ giữa Vườn quốc gia Cát Tiên

Hơn 20 năm qua, trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, thuộc địa phận xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã hình thành một điểm trường đặc biệt. Những giáo viên ở đây phải lặn lội vào rừng dạy chữ cho con em người đồng bào S’Tiêng.


Chiếc bảng đen chia đôi

Từ trung tâm xã Phước Cát 2 vào điểm trường thôn 3, thôn 4, thuộc trường Tiểu học Phước Cát 2, phải gần 30 cây số. Trời không mưa, nhưng đường trơn như xối mỡ. Thầy Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Cát 2, vừa dẫn đường vừa lo chúng tôi bị té ngã và cũng không quên cảnh báo: “Gần trưa, chúng ta mới lên tới trường, do đó chắc chắn phải ở lại trường mai mới về được, bởi chiều mưa thì không cách nào xuống núi”.

Học sinh lớp 4 và lớp 5 học ghép chung một phòng học tại điểm trường thôn 4.

Phòng học điểm trường thôn 4 nằm trên đồi cao, ngay cạnh thung lũng của buôn làng người S’Tiêng. Trong lớp, thầy Trần Hoài Bão (phụ trách lớp 4 và lớp 5) say sưa giảng bài trên chiếc bảng được chia làm đôi. Một bên bảng dành cho học sinh lớp 5 học toán, còn phần bảng bên kia để các em lớp 4 học môn tiếng Việt. Tranh thủ lúc em Điểu Thị Hằng (lớp 4) đọc bài, thầy Bão gọi một học sinh khác lên bảng làm bài tập toán lớp 5. Thầy cho biết: “Phải làm như thế. Ở đây chỉ có hai phòng học mà tới 5 lớp khác nhau nên chúng tôi linh động, tổ chức dạy lớp ghép”.

Tương tự, tại điểm trường thôn 3, học sinh cũng học chung lớp ghép như thế. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phước Cát 2 cho biết, toàn trường có 25 giáo viên với 6 điểm trường khác nhau; trong đó, điểm trường thôn 3, thôn 4 xa nhất và khó khăn nhất. Vì vậy, để đảm bảo công tác giảng dạy cho các em tại hai điểm trường này, ban giám hiệu phân công mỗi điểm trường luôn có ba giáo viên phụ trách. Mỗi nhiệm kỳ công tác kéo dài trong một năm học, hết người này đến lượt người khác thay thế.

Vượt rừng gieo con chữ

Mái tóc đã chớm bạc, năm nay là lần thứ 3 cô Phan Thị Hường được phân công đến điểm trường thôn 3 phụ trách lớp 2, lớp 3. Nhà ở tận trung tâm xã Phước Cát 2, những năm trước muốn đến lớp, cô và đồng nghiệp phải đi nhờ xuồng theo sông Đồng Nai, rồi tiếp tục đi bộ đến trường. Năm 2012, con đường đến trường hoàn thành, các cô mới có thể đi xe máy lên lớp. Chuyện cô giáo đi xe bị té ngã giữa đường hay gặp thú rừng, không phải hiếm. Cô Hường kể: “Có lần tôi cùng đồng nghiệp chạy xe vào trường, giữa đường gặp con trăn to bằng bắp chân nằm chắn ngang. Vừa sợ vừa không biết làm gì, chúng tôi chỉ còn cách bóp còi thật to cho con trăn bỏ đi rồi mới tiếp tục lên đường”.

Cô Phan Thị Hường (nhà ở xã Phước Cát 2) đã có thâm niên đứng lớp 3 “nhiệm kỳ” tại điểm trường thôn 3.

Giáo viên cắm bản thôn 3 cơ cực là vậy nhưng ở thôn 4 lại tăng lên bội phần. Đây là lần thứ ba, thầy Bão, thầy Thạc, thầy Trà quay lại đứng lớp ở điểm trường thôn 4. So với những “nhiệm kỳ” trước, đường lên thôn giờ đã khá lắm. Cách đây chừng 5 năm, các thầy vẫn phải đi xuồng theo sông Đồng Nai đến thôn 3. Từ đó, tiếp tục đi bộ vượt 15 km đường rừng mới đến nơi công tác. Trong rừng sâu này, điện không có, sóng điện thoại cũng không bắt được nên những người thầy lấy công việc làm niềm vui, học sinh là bè bạn.

Hết giờ lên lớp, Thầy đến từng nhà dân trong buôn làng bầu bạn. Không chỉ trò truyện, phổ biến các kiến thức cho bà con, các thầy còn tranh thủ hướng dẫn đồng bào trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất.

Thấu hiểu những vất vả của những thầy cô giáo gắn bó với điểm trường xa xôi. Người dân buôn làng S’Tiêng luôn dành tình cảm chân tình với những người thầy dưới xuôi lên công tác. Anh Điểu K’Ru, Bí thư chi bộ thôn 4, bộc bạch: “Các thầy lặn lội từ dưới ấy lên dạy chữ cho con em buôn làng, bà con cảm động lắm. Mình chỉ mong nhà nước sớm làm một con đường mới từ dưới chân núi lên đây để các thầy cũng như người dân không còn gặp khó khăn khi đi lại”.
Bài và ảnh: Nguyễn Dũng
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trải dài trên một diện tích rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học đến lớp, ngay ở các thôn bản đã xây dựng điểm trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN