Nuôi thủy đặc sản trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi - hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng

Cùng với thành công của nhiều hộ nông dân trong mô hình nuôi cá lăng bằng lồng trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi, mới đây Tập đoàn cá tầm Việt Nam đã triển khai nuôi cá tầm lồng với quy mô lớn nhất nước trên lòng hồ Nhà máy thủy điện Buôn Tu Sar (huyện Lắk, Đắk Lắk), mở ra hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng.

Từ thành công nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng...

Cá lăng đuôi đỏ là loài thủy đặc sản trên dòng Sêrêpốk (Đắk Lắk). Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá cá lăng tăng cao nên loài thủy đặc sản này đang bị khai thác đến cạn kiệt trong môi trường tự nhiên. Gần đây, nhiều hộ nông dân ở các xã: Ea Kao, Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cùng một số doanh nghiệp đã thành công trong việc nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch cá tầm trên hồ Đa Mi (Bình Thuận).


Ông Nguyễn Minh Tuấn, thôn Cao Thành, xã Ea Kao - một trong những hộ nuôi thành công và làm giàu bằng việc nuôi cá lăng lồng cho biết: Trước đây gia đình cũng đã đầu tư nuôi loại cá nước ngọt khác bằng lồng như: Trắm, mè, diêu hồng, cá lóc... tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công cá lăng bằng lồng, ông Tuấn mạnh dạn đầu tư nuôi cá lăng bằng lồng quy mô lớn trên hồ Ea Kao - hồ thủy lợi lớn nhất của TP Buôn Ma Thuột. Cũng theo ông Tuấn, cá lăng là loài cá khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 14 - 15 tháng, khi cá đạt trọng lượng trung bình 2 kg/con có thể xuất bán. Với 24 lồng nuôi, mỗi lồng 1.000 con, giá bán buôn từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, ông Tuấn thu lãi trên 500 triệu đồng.

Tháng 7/2011, Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 đã đầu tư lồng và thả nuôi hơn 40.000 cá lăng đuôi đỏ trong 44 lồng nuôi. Sau gần 6 tháng nuôi, trọng lượng cá lăng từ 70 con/kg ban đầu đã tăng lên 3 - 4 con/kg. Anh Trần Duy Viễn, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4 cho biết: Sau khi tham quan một số mô hình nuôi cá lăng lồng trên địa bàn tỉnh, công ty đã hỗ trợ công đoàn nhà máy đầu tư gần 2 tỷ đồng làm lồng, mua giống cá lăng về thả. Qua theo dõi thấy cá lăng sinh trưởng và phát triển tốt, lớn nhanh. Sau thành công này, nhà máy sẽ mở rộng quy mô nuôi. Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên nhà máy.

Trong tự nhiên, nguồn thức ăn của cá lăng là các loài động vật thủy sinh nhỏ. Vì vậy, trước đây các hộ nuôi cá lăng ở Đắk Lắk thường phải nhập các loại cá tạp từ ngoại tỉnh về làm thức ăn cho cá lăng. Tuy nhiên, hiện nay để chủ động nguồn thức ăn, các hộ nuôi cá lăng bằng lồng đã tự đầu tư chuồng trại để nuôi trùn quế, sau đó trộn với các loại thực phẩm khác, vo viên làm thức ăn tổng hợp cho cá rất tốt. Các hộ cũng thường tổ chức nuôi xen kẽ lứa nên đảm bảo có cá thương phẩm bán quanh năm.

...đến nuôi cá tầm quy mô công nghiệp

Sau thời gian khảo sát, tháng 11/2011, Tập đoàn cá tầm Việt Nam đã tổ chức khai trương cơ sở nuôi cá tầm Nga với quy mô lớn nhất nước, với lượng thả nuôi có thể đạt đến 1 triệu con/lượt nuôi.

Cá tầm sống ở vùng nước lạnh ở Nga có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá tầm thịt bán buôn trên thế giới có giá từ 8.000 - 12.000 USD/tấn, riêng trứng cá tầm có giá từ 1.000 - 6.000 USD/kg và thị trường thế giới vẫn luôn trong tình trạng “khan” hàng. Năm 2007, Tập đoàn cá tầm Việt Nam đã đầu tư nuôi cá tầm Nga tại một số hồ thủy điện ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định và Bắc Giang, cho kết quả khả quan.

Riêng tại Đắk Lắk, theo tiến sỹ Klima Vladimiar - chuyên gia cá tầm Nga thuộc Tập đoàn cá tầm Việt Nam, qua khảo sát tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, khu vực lòng hồ của 3 nhà máy thủy điện lớn trên các bậc thang thủy điện thuộc hệ thống sông Sêrêpốk gồm: Buôn Tu Sar, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3 có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như hệ sinh thái môi trường rất tốt, có thể phát triển nuôi với quy mô công nghiệp các giống cá tầm Nga như: Acipenseridae Beluga, Osetra, Siberian, Bester, Loro và Sterbel. Cũng theo vị chuyên gia này, chất lượng trứng và thịt của cá tầm Nga nuôi ở Việt Nam không hề thua kém sản phẩm cá tầm của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Hiện nay, cơ sở nuôi cá tầm Nga tại hồ thủy điện Buôn Tu Srah, xã Nam Kar, huyện Lắk thả nuôi 40.000 con cá thương phẩm, quy mô 40 lồng để khai thác trứng cá xuất khẩu. Ông Lê Anh Đức - Chủ tịch Tập đoàn cá tầm Việt Nam cho biết: Trong vòng 2 năm tới, Tập đoàn cá tầm Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư thêm từ 5 - 10 trung tâm nuôi cá tầm mới có quy mô lớn tại Đắk Lắk. Sản lượng trứng cá tầm từ hệ thống nuôi trồng dự kiến đạt đến 1.000 tấn/năm. Với quy mô này, cá tầm không chỉ tạo ra một nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn đưa Đắk Lắk trở thành một “địa chỉ đỏ” trong bản đồ nuôi cá tầm của thế giới cả về quy mô lẫn giá trị kinh tế do loài thủy đặc sản này mang lại.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 37.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích mặt nước là các lòng hồ thủy điện, thủy lợi quy mô lớn chiếm tỷ lệ cao. Việc phát triển nuôi trồng các loài thủy đặc sản như cá lăng, cá tầm vừa khai thác tốt tiềm năng, vừa gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN