OAS là một phương tiện đa phương quan trọng

Theo báo chí Canada, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần VII sẽ diễn ra trong hai ngày 10 – 11/4 tại Panama. Năm nay cũng chính là dịp kỷ niệm 25 năm gia nhập tổ chức OAS của Canada. Nước này trở thành thành viên đầy đủ của OAS vào ngày 8/1/1990, sau 28 năm là quan sát viên.

Hội nghị Hội đồng Ngoại trưởng Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 44. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong chiến lược của mình, Canada coi OAS là một phương tiện đa phương quan trọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu:


Thứ nhất, mở rộng cơ hội kinh tế của Canada và các nước OAS. Canada coi việc tăng cường trao đổi thương mại - kinh tế là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại châu Mỹ. Kể từ năm 2007 (là năm Canada khởi xướng chiến lược can dự với OAS) đến nay, thương mại song phương đã tăng 40%, đầu tư trực tiếp của Canada vào OAS tăng hơn 70%. Tính tới năm 2013, 55% đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở nước ngoài của Canada là nằm tại khu vực OAS.


Thứ hai, giải quyết các vấn đề gây mất ổn định và thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Canada lo ngại về những bất ổn đang ngày càng gia tăng tại một số khu vực trong OAS, trong đó có Mexico, Trung Mỹ và Caribe, bởi nó ảnh hưởng không những với những quốc gia láng giềng mà còn đe dọa tới sự an toàn cho công dân cũng như các lợi ích của Canada. Với lý do này Canada đã đầu tư hàng triệu đôla vào các chương trình an ninh, dự án phát triển, viện trợ an ninh và hợp tác quốc phòng vào những khu vực dễ bị tổn thương nhất. Từ năm 2009 đến nay, Canada đã hỗ trợ hơn 50 tổ chức quan sát bầu cử tại OAS.


Thứ ba, thúc đẩy các mối quan hệ lâu dài. Canada coi trọng tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương với chính phủ, các tổ chức khu vực tư nhân, xã hội dân sự, giới học giả và các cộng đồng. Thông qua các quan hệ này để tăng cường hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau. Kể từ năm 2007, đã có hơn 200 chuyến thăm của các phái đoàn cấp cao Canada sang OAS. Và trong năm 2013, có gần 18.000 sinh viên từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe đến học tập tại Canada.


Hội nghị năm nay với chủ đề "Thịnh vượng và công bằng: Thách thức hợp tác ở khu vực châu Mỹ" sẽ có một sự kiện đáng chú ý là sự tham gia của Cuba vào diễn đàn OAS. Sau những nỗ lực bền bỉ từ hai phía, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên OAS, Mỹ và Cuba đang nỗ lực hướng tới việc bình thường hóa quan hệ. Hội nghị lần này chứng kiến hai quốc gia cựu thù có thể ngồi cạnh nhau. Vấn đề Cuba từng là biểu tượng của sự chia rẽ, mất đoàn kết tại khu vực. Đây cũng là một trong những vấn đề trung tâm của chủ đề Hội nghị "thách thức hợp tác ở châu Mỹ". Vì thế, Hội nghị lần này sẽ được coi là thành công nếu hội được các yếu tố: (1) Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro cùng tham gia với một thái độ thiện chí; (2) Các thành viên đều thống nhất với văn kiện chính thức “Nguyên thủ hành động” (điều này đã không đạt được ở cả hai Hội nghị gần đây nhất); (3) Có sự tham gia đầy đủ của các thành viên, (trừ trường hợp Tổng thống Venezuela Nicolas Manduro nhiều khả năng vắng mặt); và (4) các hoạt động phản đối Hội nghị của Diễn đàn Tây Bán Cầu (the Hemisphere Forum), còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Nhân dân (People's Summit) - tập hợp những tổ chức cánh tả và phong trào xã hội - diễn ra trật tự, chỉ dừng ở mức trao đổi những quan điểm bất đồng của họ một cách ôn hòa và thích hợp.

 

Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)

 

Đoàn Cuba bất bình rời cuộc họp OAS
Đoàn Cuba bất bình rời cuộc họp OAS

Phái đoàn Cuba tham dự một trong 4 cuộc họp chính thức bên lề Hội nghị thượng đỉnh OAS, đã rời phòng họp để phản đối sự có mặt của phần tử phản cách mạng trong hội nghị này

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN