Là xã vùng cao nằm vắt vẻo bên sườn núi đá tai mèo khô dốc, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) được ví như một “ốc đảo” trên cao nguyên đá. Được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi nên bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống của đồng bào Mông, Lô Lô ở Sủng Là đang từng bước đổi thay.
Giờ học thể dục của các em học sinh trường Tiểu học Sủng Là. Ảnh: Viết Tôn |
Nếu như Đồng Văn là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước, thì Sủng Là từng là xã nghèo nhất của Đồng Văn. Với trên 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% là người Mông, việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm. Hiện xã đã có trường học nội trú với hơn 500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở, có trạm xá, có bác sỹ, có nhà văn hóa, có bưu điện... Nhìn bề ngoài, khu trung tâm của Sủng Là không kém các xã khác của Đồng Văn.
Dẫu vậy, Sủng Là vẫn còn rất nhiều gian khó. Ông Tạ Quang Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Những gì Nhà nước đã đầu tư cho Sủng Là phần nhiều mới chỉ tập trung được ở khu trung tâm xã, còn ở những bản vùng cao xa xôi cách trung tâm xã từ 8 - 10 km như Lao Xa, Mo Pải Phìn, Sủng Là Trên... thì giao thông đi lại còn rất khó khăn”. Theo ông Tiến, đồng bào nơi đây luôn mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đời sống bà con từng bước được nâng lên. Với hơn 2/3 diện tích toàn xã là núi đá, chỉ còn chưa đến 1/3 diện tích là để ở và trồng trọt trên các sườn núi nên cái ăn, cái mặc của đồng bào vẫn còn là vấn đề cần phải giải quyết trong những năm tới đây. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, núi đá cheo leo nên chăn nuôi, trồng trọt rất khó phát triển. Sản lượng lương thực của xã không đáng kể. Vào những lúc mưa thuận gió hòa, người dân còn có hạt ngô để ăn, con dê, con gà, con lợn để bán. Nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ bất thường thì họ chẳng còn gì.
Để giúp đỡ Sủng Là từng bước khắc phục khó khăn, tỉnh Hà Giang đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hà Giang cũng vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện để bà con cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông Mùa Sè Sính, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, cho biết: “Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, từ năm 2009 đến nay, Sủng Là đã được đầu tư nhiều công trình phúc lợi, trong đó có 2 công trình đường dân sinh tại bản Mo Pải Phìn và Lao Xa, nhà sinh hoạt cộng đồng bản Lũng Cẩm. Bên cạnh đó, xã còn được Công ty 567 Hà Giang xây dựng công trình điện thắp sáng từ ngã ba bản Sáng Ngài đi Lao Xa và Công ty Đại Thắng giúp đỡ đầu tư từ dốc bản Sáng Ngài đi Pó Tò và Mo Pải Phìn”...
Theo đại úy Tạ Quang Tiến, cán bộ Đồn biên phòng Phố Bảng (Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Giang) được điều động về tham gia cấp ủy tại xã Sủng Là: “Để từng bước khắc phục những khó khăn, đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững thì việc xây dựng được chương trình hành động trong công tác Đảng là nhiệm vụ ưu tiên. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ bám sát nhiệm vụ chính trị được phân công để chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác theo chức trách nhiệm vụ đảm nhiệm. Đặc biệt, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Đảng ủy xã sẽ đạt kết quả tốt. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy xã và của cấp trên sẽ được tuyên truyền tới toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân trong xã”.
Để kinh tế - xã hội phát triển, đời sống đồng bào từng bước nâng lên, cấp ủy và chính quyền Sủng Là tiếp tục chỉ đạo và vận động nhân dân gieo cấy hết diện tích, tích cực đăng ký gieo trồng ngô lai để đảm bảo an ninh lương thực. Thu hoạch rau đậu các loại, bảo quản cất giữ sau thu hoạch an toàn. Vận động nhân dân trồng rau, đậu các loại, như đậu răng ngựa, đậu hà lan, rau su hào, cải bắp và các loại rau khác để phục vụ đời sống nhân dân và bán ra thị trường, tăng thêm nguồn thu nhập. Tiếp tục chăm sóc diện tích cỏ voi để nhân giống trồng, phát triển đàn đại gia súc. Vận động nhân dân chăm sóc tốt các đàn gia súc, gia cầm hiện có, phòng chống các loại dịch bệnh kịp thời. Đặc biệt, công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên để nhân dân các dân tộc trong xã hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền lợi của cử tri.
Nguyễn Viết Tôn