Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (ICHO 46) năm 2014 sẽ diễn ra tại Việt Nam. Với chủ trương đổi mới, tách công tác quản lý nhà nước ra khỏi quản lý chuyên môn, tại ICHO 46, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) không đứng ra làm đơn vị trực tiếp tổ chức mà giao cho trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì ICHO 46.
Sáng 26/7/2013, tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ đón và trao tặng bằng khen cho 4 học sinh của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2013 (ICHO2013), được tổ chức tại LB Nga từ 15 đến 24/7/2013. Cả 4 học sinh đều đoạt huy chương, trong đó có 1 huy chương Vàng và 3 huy chương Bạc. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN |
TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trưởng ban Chuyên môn đề thi ICHO 46, về việc chuẩn bị cho sự kiện giáo dục lớn nhất năm 2014.
´Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Nội, ông có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện này? Việc tổ chức cho sự kiện giáo dục mang tầm quốc tế không đơn giản, vậy hiện nay chúng ta đã chuẩn bị tới đâu?
Trong dịp đầu năm 2014, có một tin rất vui là kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 20 -29/7. Đây là sự kiện lớn, có sự tham gia của 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng số 300 học sinh, 300 giáo viên và quan sát viên. Có thể nói, sau kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế được tổ chức vào năm 2008 và Olympic Toán học quốc tế được tổ chức vào năm 2009, thì đây là sự kiện thi Olympic Hóa học quốc tế quan trọng nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện này cho thấy vị thế giáo dục của nước ta trên thế giới.
Việc tổ chức một kỳ thi Olympic quốc tế với sự tham gia của rất đông quốc gia và vùng lãnh thổ là rất phức tạp. Tới nay, công tác chuẩn bị đã tương đối hoàn thành với sự hỗ trợ của Bộ GD & ĐT, các bộ, ngành có liên quan, cũng như ĐH Quốc gia Hà Nội. Trên thực tế, trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) được giao trách nhiệm là đơn vị đứng ra tổ chức phối hợp với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD & ĐT. Hiện nay, theo đánh giá của Ủy ban Olympic quốc tế, công tác chuẩn bị của Việt Nam diễn ra đúng tiến độ.
´Thưa ông, có lẽ khó khăn nhất đối với kỳ thi Olympic quốc tế là công tác ra đề thi? Ông có thể nói rõ hơn yêu cầu của việc ra đề thi của kỳ thi này? Liệu trường ĐH Khoa học tự nhiên có đảm đương được hay phải nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế?
Việc ra đề thi với bất kỳ một kỳ thi Olympic nào cũng là công việc quan trọng nhất. Sự thành bại của kỳ thi là ở đề thi. Riêng kỳ thi Olympic Hóa học có sự khác biệt với các môn khác là nước đăng cai cần chuẩn bị bộ đề thi từ 25-30 bài thi lý thuyết và 5-8 bài thi thực hành. Các bài thi đó cần đưa lên website chính thức của nước đăng cai vào cuối tháng 1/2014. Công việc đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và đề thi đòi hỏi đạt chuẩn trình độ quốc tế. Tiếp theo đó, cần tổ chức bộ đề thi chính thức gồm 8 bài thi lý thuyết và 3 bài thực hành.
Những bài thi của đề thi, một mặt phải đáp ứng tiêu chuẩn Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế đặt ra, bên cạnh đó, cần mang nét đặc trưng của nước đăng cai. Có nghĩa là các bài thi lý thuyết cũng như thực hành phải có nét đặc trưng của các nhà hóa học Việt Nam. Vấn đề này do ban chuyên môn của kỳ thi đảm nhiệm. Tôi, với tư cách trưởng ban chuyên môn, đã xúc tiến công việc này và tới thời điểm này tương đối hoàn thiện. Ngày 28/1/2014, tất cả các bộ đề thi đã được đưa lên trang chủ chính thức của kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 tại Việt Nam. Phần đề thi chính thức đang được hoàn thiện.
Để kỳ thi diễn ra đạt chuẩn, nước chủ nhà cũng cần chuẩn bị các bộ thực hành hiện đại và hoàn toàn đồng nhất giữa tất cả các thí sinh thuộc các quốc gia khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Công việc này cần thời gian chuẩn bị rất nhiều và trong tháng 2-3/2014 chúng ta sẽ phải hoàn thiện mua sắm các trang thiết bị thực hành để phục vụ 300 thí sinh quốc tế vào tháng 7 tới.
´Lâu nay giáo dục Việt Nam được coi là có thế mạnh về lý thuyết, nhưng điều kiện cũng như khả năng thực hành còn hạn chế. Bộ môn hóa học lại yêu cầu thực hành rất cao. Với kỳ thi Olympic Hóa học lần này, chúng ta phải làm gì để vượt qua điểm chưa mạnh này, thưa Phó Giáo sư?
Đúng là trong thời gian khá dài học sinh chúng ta học lý thuyết tách khá xa với thực hành. Trong những năm gần đây Bộ GD & ĐT đã hết sức chú ý khắc phục đến vấn đề này.
Một bước tiến lớn là 2 năm gần đây, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn thực nghiệm như Vật lý, Hóa học, Sinh học, bên cạnh việc phải trải qua thi lý thuyết, các thí sinh đều phải làm các bài thi thực hành. Việc này giúp chọn lựa được những thí sinh không chỉ nắm vững lý thuyết, mà còn có kỹ năng tốt trong thực hành để bồi dưỡng để tham gia các đội tuyển Olympic quốc tế.
´Trong 2 kỳ thi Olympic quốc tế trước đây tại Việt Nam, Bộ GD & ĐT trực tiếp tổ chức. Lần này bộ giao quyền chủ trì Olympic Hóa học quốc tế cho trường Đại học Khoa học tự nhiên và trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là đơn vị được giao đảm nhận trọng trách này, ông có nhận xét gì về việc này?
Đây có thể coi là bước ngoặt về đổi mới quản lý khi triển khai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế như vậy. Trước đây các kỳ thi Olympic quốc tế do Bộ GD & ĐT trực tiếp tổ chức, phối kết hợp với bộ, ngành khác. Riêng kỳ Olympic lần này, bộ đã tin tưởng giao cho trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây cũng là hướng đi rất đúng. Thực tế trên thế giới, qua những kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế ở nhiều quốc gia khác tôi đã từng dự, việc tổ chức những sự kiện như vậy được giao cho các trường đại học, vì những trường này là trường đảm nhận công việc chuyên môn còn khâu tổ chức sẽ có sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan. Như vậy các kỳ thi sẽ được tổ chức tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.
Xin cảm ơn ông và chúc cho kỳ thi Olympic Hóa học 2014 tại Việt Nam thành công tốt đẹp!
Hoàng Hoa - Ngọc Anh