Đòn bẩy để phát triển kinh tế
Thôn Đèo Chắp, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) có 141 hộ, với 99% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các gia đình ở đây đều dừng lại ở hai con, nhờ vậy, không còn cảnh nhiều gia đình đông con, quanh năm bị cái đói đeo bám. Nhờ thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), bà con có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, ai cũng có nhà cửa khang trang, toàn thôn nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 15 triệu đồng/năm.
Bà con trong xã thường xuyên được phổ biến, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. |
Trong ngôi nhà mới xây, anh Lý Văn Sún (dân tộc Dao đỏ), thôn Đèo Chắp, chia sẻ: “Nghĩ ngày xưa bố mẹ tôi đông con khổ quá, nên khi được cán bộ dân số vận động chỉ sinh hai con để có điều kiện phát triển kinh tế, là tôi thực hiện ngay. Ít con nên cuộc sống đỡ vất vả hơn, không phải lo ăn từng bữa, các cháu có điều kiện đi học, lại còn để được tiền để xây nhà mới".
Chị Hoàng Thị Bền, Cán bộ y tế thôn Đèo Chắp cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong công tác vận động bà con thực hiện KHHGĐ là do trình độ nhận thức còn hạn chế, nhiều gia đình vẫn mang tư tưởng "đông con, đông của", muốn sinh thêm con. Ngoài ra, sự khác biệt ngôn ngữ khiến công tác tuyên truyền vận động đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Cán bộ y tế phải tận dụng thời gian nghỉ trưa hoặc buổi tối tới từng nhà tuyên truyền vận động, nhờ đó mà 15 năm nay, thôn Đèo Chắp luôn thực hiện và duy trì tốt công tác dân số - KHHGĐ, không có trường hợp nào sinh con thứ 3”.
Đầu tư cho tương lai
Ngoài sự phát triển về kinh tế, thì thành quả lớn nhất mà công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đạt được ở xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chính là những đứa trẻ được đi học đến nơi đến chốn. Nếu trước đây, đi học là một điều gì đó "xa xỉ" bởi nhà đông con, đứa lớn biết mặt chữ rồi thì nghỉ để đứa nhỏ hơn đi học; thì giờ đây, đến Làng Chang, những câu chuyện về con em của thôn đỗ đại học, cao đẳng, không còn là điều xa lạ.
Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền cho bà con thôn Làng Chang, xã Hòa Phú. |
Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, con trai thứ hai của anh Phương Văn Châu (dân tộc Tày), thôn Làng Chang, đã đứng thứ 6 trong số những học sinh cao điểm nhất của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hay gia đình chị Hà Thị Ngần, thôn Làng Chang, cũng có con gái lớn vừa nhận học bổng học thạc sĩ tại Thái Lan, còn cậu con trai cũng vừa đỗ đại học.
Theo cán bộ xã Hòa Phú, thôn Đèo Chắp và Làng Chang chỉ là hai trong số 16 thôn của xã thực hiện tốt công tác KHHGĐ. Kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực của cán bộ y tế cũng như chính quyền xã Hòa Phú. Xã Hòa Phú đã trở thành điểm sáng của huyện Chiêm Hóa nói riêng, của tỉnh Tuyên Quang nói chung, trong công tác dân số- KHHGĐ.