Tại phiên họp toàn thể sáng 14/3 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) Trung Quốc khóa 12, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương Trung Quốc.
Nguyên Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (trái) chúc mừng ông Tập Cận Bình (phải) sau khi được bầu. Ảnh: THX/TTXVN |
Ông Tập Cận Bình, sinh năm 1953, hiện là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Quân ủy Trung ương CPC.
Tại
phiên họp, đồng chí Trương Đức Giang, sinh năm 1946, Ủy viên Thường vụ
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được
bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay ông Ngô Bang Quốc; Đồng chí Lý Nguyên Triều, sinh năm 1950, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính
trị, được bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Ủy
ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 gồm 13 Phó Chủ tịch. Ông
Vương Thần được bầu làm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng trong ngày 14/3, phiên
họp toàn thể sẽ tiếp tục bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác như
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân
tối cao.
Trước đó cùng ngày, phiên họp toàn thể Quốc hội Trung
Quốc khóa 12 cũng đã thông qua kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ nhằm
hạn chế tình trạng quan liêu và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính
phủ. Theo kế hoạch, số bộ trong chính phủ sẽ giảm từ 27 bộ xuống còn 25
bộ với việc giải thể Bộ Đường sắt, vốn là tâm điểm gây nhiều tranh
cãi trong thời gian qua, đồng thời sáp nhập một số ban, ngành của
chính phủ.
Bộ Y tế, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia
đình sẽ được sáp nhập thành Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và
Y tế quốc gia. Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia sẽ
được nâng cấp thành tổng cục nhằm cải thiện hơn nữa vấn đề an
toàn dược phẩm và thực phẩm. Cục Hải dương quốc gia cũng được tái cơ
cấu để đặt các lực lượng thực thi luật biển - hiện nằm rải rác trong
nhiều bộ, ngành khác nhau - dưới sự quản lý thống nhất của một cơ quan
duy nhất.
Trong quá trình xem xét việc cải tổ cơ cấu, chính
phủ trung ương xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là chuyển đổi mạnh
mẽ các chức năng của chính phủ và giảm bớt sự can thiệp hành
chính vào các vấn đề thị trường và xã hội.
Tái cơ cấu
chính phủ, một phần quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm cải
cách sâu sắc hệ thống hành chính, là bước đi tiếp theo của 6 đợt cải tổ
cơ cấu chính phủ trong vòng ba thập kỷ qua nhằm thiết lập một chính phủ
hiệu quả và hoạt động trên cơ sở pháp luật với việc phân chia quyền lực
một cách rõ ràng, phân bổ nguồn lực hợp lý và xác định trách nhiệm rõ
ràng.
Kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ được thực hiện sau
khi có nhiều ý kiến phàn nàn về việc một số ban, ngành của chính phủ có
sự trùng lặp về chức năng, quản lý chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả
cũng như bộ máy cồng kềnh dẫn đến nạn tham nhũng và sao nhãng nhiệm vụ
của các quan chức mà không có sự giám sát hợp lý.
TTXVN/Tin tức