Ngày 2/1, Trưởng Phái đoàn quan sát viên của Nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc, ông Riyad Mansour đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), mở đường cho các biện pháp pháp lý chống lại Israel. Lính Israel chuyển thi thể một thiếu niên Palestine sau xung đột gần khu định cư Tapuah ngày 29/12. Ảnh: AFP-TTXVN |
Phát biểu với báo giới, ông Mansour nhấn mạnh Palestine xem đây là bước đi quan trọng nhằm đem đến công lý cho tất cả các nạn nhân thiệt mạng do sự chiếm đóng của Israel. Theo trình tự, đơn đề nghị của Palestine sẽ được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xem xét và thông báo đến tất cả các nước thành viên ICC. Palestine sẽ phải chờ đợi ít nhất 60 ngày để có thể trở thành thành viên chính thức của cơ quan này.
Phản ứng trước động thái của Palestine, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày 2/1 tuyên bố việc Palestine quyết tâm gia nhập ICC sẽ có "quan hệ mật thiết" với khoản viện trợ tài chính hàng năm mà Washington cam kết hỗ trợ cho chính quyền này. Tuy nhiên, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ cũng cho rằng Washington vẫn sẽ tiếp tục xem xét các khoản viện trợ nói trên, đồng thời khẳng định sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho chính quyền Palestine đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định và phát triển không chỉ của người Palestine mà còn cả Israel.
Hàng năm, Mỹ cam kết viện trợ cho Palestine 400 triệu USD dành cho phát triển kinh tế, song theo luật của nước này, các khoản tài chính sẽ bị hủy bỏ nếu chính quyền Palestine sử dụng quy chế thành viên ICC để chống lại Israel. Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 1/1 đã hối thúc ICC bác đơn xin gia nhập của Palestine vì cho rằng Palestine không được coi như một nhà nước.
Trước đó, hôm 31/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ký phê chuẩn các đơn xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có ICC, một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ không thể thông qua một nghị quyết sẽ mở đường cho Palestine đạt được quy chế nhà nước đầy đủ.
TTXVN/Tin tức