Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv ngày 24/4 dẫn lời quan chức Palestine cho biết thỏa thuận hòa giải giữa hai phong trào đối địch Fatah và Hamas vừa được ký kết dựa trên giải pháp hai nhà nước và hai bên công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel.Theo Ủy viên Trung ương Phong trào Fatah Jibril Rajoub, thỏa thuận này sẽ được thực thi theo chương trình của Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas. Ông Rajoub cho biết giải pháp hai nhà nước bao gồm Nhà nước Palestine trong các đường biên giới năm 1967 và Nhà nước Israel với thủ đô ở Tây Jerusalem. Thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniya, "có nghĩa vụ duy trì chính sách của Tổng thống Abbas".
Người dân Palestine vui mừng với thỏa thuận hòa giải vừa đạt được giữa Fatah và Hamas, tại Gaza ngày 23/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Quan chức cấp cao Fatah cũng cho biết sau khi Chính phủ chuyển tiếp Palestine được thành lập, với tư cách người đứng đầu, ông Abbas sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng và dứt khoát về việc "chấp nhận các điều kiện của Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu) cũng như giải pháp hai nhà nước". Tuy nhiên, ông Rajoub bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng Israel sẽ chấp nhận hướng đi này của Palestine.
Cùng ngày, truyền thông Israel dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho rằng thỏa thuận hòa giải giữa hai phe phái tại Palestine sẽ không dễ thành hiện thực trong thời gian nhắn vì những khác biệt giữa Hamas và Fatah vẫn còn khá lớn. Nhận định được đưa ra sau khi Văn phòng Thủ tướng Israel chỉ trích kịch liệt thỏa thuận hòa giải Palestine và Tel Aviv cũng thông báo hủy cuộc họp theo kế hoạch với đoàn đàm phán của Chính quyền Palestine để thảo luận tiến trình hòa bình Trung Đông.
Trái ngược quan điểm thất vọng của Mỹ về thỏa thuận đoàn kết Palestine, Trung Quốc cho rằng là động thái tích cực đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hoan nghênh thỏa thuận thống nhất giữa hai phái Palestine, kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp ích cho đàm phán hòa bình với Israel. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh tin tưởng thỏa thuận này sẽ có lợi cho sự thống nhất Palestine, thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập và cùng chung sống hòa bình giữa Israel và Palestine.
Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu coi phong trào Hồi giáo Hamas là một tổ chức khủng bố. Trong khi Hamas đấu tranh và không công nhận nhà nước Israel, đảng đối lập Fatah của Tổng thống Abbas tại Bờ Tây lại theo đuổi nhiều năm đàm phán hòa bình với Israel chưa mang lại kết quả.
TTXVN/Tin tức