Ngày 2/9, một vụ đánh bom ven đường nhằm vào đoàn xe của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Mali (MINUSMA) đã làm 4 binh lính người Chad thiệt mạng và 15 người bị thương, trong đó 6 người đang ở trong tình trạng nguy kịch. Vụ tấn công đã phủ bóng đen lên các cuộc hòa đàm vừa được nối lại giữa Chính phủ Mali và các tay súng nổi dậy.Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết vụ việc xảy ra tại sa mạc Kidal, một sào huyệt của người nổi dậy Tuareg ở miền bắc, nơi các nhóm nổi dậy do người Tuareg đứng đầu đòi ly khai và thành lập nhà nước Hồi giáo riêng mang tên Azawad.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân. TTK cho biết đây là vụ tấn công mới nhất trong nhiều vụ nhằm vào lực lượng của LHQ tại Kidal tuần qua, trong đó có các vụ nã súng vào doanh trại của MINUSMA và một vụ đánh bom hẹn giờ khác nhằm vào một xe tải của lực lượng này làm 9 binh lính gìn giữ hòa bình người Chad bị thương hôm 29/8. Tuy nhiên, TTK nhấn mạnh các vụ tấn công sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm và nỗ lực của LHQ trong việc tìm kiếm hòa bình cho Mali.
Trong một thông cáo báo chí, Hội đồng Bảo an LHQ cũng "kịch liệt lên án" vụ tấn công, đồng thời bày tỏ hoàn toàn ủng hộ phái bộ MINUSMA trong sứ mệnh tìm kiếm hòa bình.
Trong khi đó, người đứng đầu MINUSMA Albert Koenders lên án vụ tấn công là "hành động vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được". Theo người phát ngôn của MINUSMA Olivier Salgado, đây là cuộc tấn công lớn nhất vào lực lượng của LHQ trong nhiều tháng nay. Ông Salgado cho biết thêm Phái bộ đã mở điều tra, song hiện chưa thể khẳng định lực lượng nào là thủ phạm.
Vụ tấn công trên xảy ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Mali và 6 nhóm nổi dậy nối lại đàm phán tại Algeria tìm kiếm hòa bình và ổn định cho Mali nhằm chấm dứt hơn một thập kỷ xung đột. Cuộc đối thoại tại Algeria đã được khởi động từ ngày 16/7 với sự tham dự của Hội đồng cấp cao vì sự thống nhất Azawad (HCUA), Phong trào Arab Azawad (MAA), Phối hợp dân tộc Azawad (CPA), Tập hợp các phong trào-Mặt trận kháng chiến yêu nước (CM-FPR), Phong trào Giải phóng dân tộc Azawad (MNLA) và Phong trào Arab Azawad đối lập.
Đại diện các nước đối tác của Mali và các tổ chức quốc tế cũng tham dự, trong đó có Niger, Burkina Faso, Chad, Mauritani, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OCI) và LHQ. Theo một thỏa thuận ký ngày 24/7 về lộ trình đàm phán, các bên sẽ tổ chức các cuộc đối thoại riêng rẽ từ ngày 17/8 - 11/9, trước khi vòng đàm phán thứ hai diễn ra vào tháng 10 tới để thảo luận về các lĩnh vực như an ninh, hòa giải và nhân đạo. Tuy nhiên, ngày 14/8, các bên đã phải tạm hoãn đàm phán để có thêm thời gian chuẩn bị. Đến ngày 1/9, các cuộc đàm phán vừa được nối lại.
TTXVN/Tin tức