Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có việc phát triển cây mắc ca đã được một số điạ phương tính đến. Nhưng việc phát triển loại cây trồng này cũng cần cân nhắc kỹ tránh tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng”.Theo thống kê của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có khoảng 100.000 ha bị già cỗi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự, đòi hỏi phải nhổ bỏ để trồng lại.
Cây mắc ca có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân ở Đắk Lắk đang có xu hướng phát triển diện tích lớn.Ảnh: Anh Dũng |
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Đề xuất bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lượcTừ thực tiễn trồng thử nghiệm cây mắc ca tại một số tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua có thể khẳng định lợi thế của loài cây này đối với Tây Nguyên là rất to lớn. Trên cơ sở đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới, đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích việc trồng và tiêu thụ sản phẩm của loài cây này.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Cần xem xét chuỗi giá trị sản xuấtVới điều kiện tự nhiên của Việt Nam, với chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp của Chính phủ, hoàn toàn có thể xây dựng đề tài khoa học nghiên cứu, phát triển cây mắc ca vào vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng đề án phát triển cây mắc ca vào những vùng này. Hiện nay, diện tích cây mắc ca tại Việt Nam đạt khoảng 2.000 ha và đã được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 1994 tại Ba Vì (Hà Nội), Đắk Lắk, Sơn La, Phú Thọ. Sau khi trồng 3-4 năm, cây bói quả, đến năm thứ 7 khi cây đã định hình, mỗi ha cho khoảng 3-4 tấn hạt. Song cần tìm ra các cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn qua thực nghiệm một cách tổng thể nhất. Chẳng hạn, về cơ sở khoa học, cần xem xét chuỗi giá trị sản xuất; về pháp lý là những cơ chế chính sách để phát triển cây này trên vùng. Cộng với trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn để kêu gọi sự hợp tác của nhà đầu tư. Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể như vậy, mới có thể triển khai trên diện rộng với vùng Tây Bắc. Đơn giản nhất là đối với nông dân, họ cũng cần có quy trình chăm sóc cây đúng kỹ thuật, quy trình thu hoạch, chế biến đảm bảo chất lượng hạt và quan trọng nhất, đó là đầu ra, là thị trường tiêu thụ.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội: Cần tiếp tục nghiên cứu Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đến khảo sát mô hình trồng cây mắc ca ở Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và của hộ nông dân tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Theo đó, kết quả khảo nghiệm mới chỉ là bước đầu. Để cây mắc ca thành cây trồng chủ lực giúp nông dân Tây Nguyên vươn lên thoát nghèo, trong thời gian tới, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu tạo ra nguồn giống có chất lượng, khảo sát những địa bàn trồng cho năng suất cao nhất, nghiên cứu ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật canh tác. Các địa phương cần quy hoạch vùng trồng và khuyến cáo bà con không nên trồng ồ ạt để tránh rủi ro…
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: Thận trọng trong việc phát triển ồ ạtPhải mất 4 năm, thậm chí 7 năm loại cây này mới cho trái, và từ 10 năm trở lên mới cho thu nhập ổn định, bởi vậy, nếu người dân trồng ở vùng không thích hợp về khí hậu, đất đai, chọn nguồn giống không tốt khiến cây không có quả hoặc quả ít thì xem như mất cả chì lẫn chài. Tây Nguyên đã được xác định là địa bàn thích hợp để phát triển cây mắc ca với quy mô lớn bằng phương thức trồng thuần và trồng xen trong các vườn cà phê, nhưng không phải nơi nào trồng cũng mang lại hiệu quả. Cây mắc ca thích hợp nhất với địa hình có độ cao 700 - 800m so với mặt nước biển, như Krông Năng (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum), một số vùng ở Đắk Nông, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Do đó, các ngành chức năng cần sớm quy hoạch cụ thể vùng trồng cây mắc ca trước khi trồng trên diện rộng. Bà con cũng không nên chặt bỏ các cây trồng khác để trồng thuần cây mắc ca mà nên trồng xen. Bởi, mắc ca là cây lâm nghiệp, có giá trị kinh tế cao, nếu trồng xen trong vườn cà phê, ca cao sẽ vừa tăng thu nhập, tăng tính bền vững cho vườn cây và tránh rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Cúc, thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, H.Krông Năng (Đắk Lắk): Mắc ca có giá trị gấp 3 lần cà phêNăm 2004, Trung Tâm nghiên cứu giống cây rừng đã chọn gia đình tôi để trồng khảo nghiệm cây mắc ca, với diện tích 1 ha xen với cà phê vối. Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên vườn mắc ca sinh trưởng khá tốt. Đến năm thứ 4-5 cây đã cao hơn 4m, đường kính tán hơn 3m, năng suất trung bình đạt 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/cây/năm.
Qua mô hình khảo nghiệm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 4 dòng mắc ca gồm: 246; 816; OC; 849 là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Krông Năng - Đắk Lắk. Thấy triển vọng từ cây trồng mới này, gia đình tôi tiếp tục trồng xen trong diện tích cà phê còn lại. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được 1.000 cây mắc ca xen canh trong 3,5 ha cà phê. Trong số này, có 800 cây mắc ca cho thu quả ổn định với năng suất 3 tấn hạt, 200 cây còn lại bắt đầu cho quả trong năm nay. Theo thời giá hiện tại là 150.000 đồng/kg, gia đình tôi đã thu về khoảng 450 triệu đồng. Ngoài bán hạt, mỗi năm gia đình còn bán hàng vạn cây giống cho nông dân địa phương và các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng. Mắc ca có giá trị gấp 3 lần cà phê, lại ít cần nước tưới, dễ thu hoạch, chăm sóc cũng dễ dàng hơn.
P.V