Hỏi: Xin cho biết những căn cứ nào để xác định các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất?
Vi Văn Tấng (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên)
Trả lời: Điểm 1, Điều 42, Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định: Các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất phải được xác định ranh giới rõ ràng trên bản đồ, trên thực địa và lập hồ sơ quản lý rừng; trên thực địa phải thể hiện bằng hệ thống mốc, bảng chỉ dẫn; rừng và đất đã được quy hoạch để gây trồng rừng của các địa phương phải được phân chia thành các đơn vị quản lý như sau:
a) Tiểu khu: Là đơn vị cơ bản trong hệ thống quản lý rừng, tiểu khu rừng có ranh giới cố định được bao gồm trọn một số khoảnh và thuận lợi cho việc quản lý khu rừng. Mỗi tiểu khu có diện tích trung bình 1.000 ha, số hiệu tiểu khu được đánh số theo một hệ thống trong phạm vi của cấp tỉnh.
b) Khoảnh: Là đơn vị quản lý rừng được phân chia ra từ tiểu khu rừng, khoảnh có ranh giới ổn định, dễ xác định vị trí, ranh giới trên thực địa, thuận lợi trong quản lý và chỉ đạo sản xuất; mỗi khoảnh có diện tích trung bình 100 ha, số hiệu khoảnh được đánh số theo từng tiểu khu. Trường hợp khoảnh chưa phân chia ra các lô rừng thì khoảnh là đơn vị thống kê tài nguyên rừng.
c) Lô rừng: Là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống quản lý rừng, thống kê tài nguyên rừng, lô rừng được chia ra từ các khoảnh. Căn cứ vào trạng thái rừng để phân chia khoảnh ra các lô, lô rừng phải có cùng một trạng thái nhằm đảm bảo cho lô rừng được thực hiện thống nhất một biện pháp kỹ thuật tác động, thuận tiện cho việc quản lý và thi công; tên lô rừng được ghi theo từng khoảnh, trong cùng một khoảnh tên các lô rừng không được trùng nhau.
Theo Ủy ban Dân tộc