Ngày 9/4, Pháp đã bắt đầu rút nhóm binh sĩ đầu tiên ra khỏi Mali, chính thức khởi động tiến trình rút một phần lực lượng chiến đấu ra khỏi quốc gia Tây Phi này sau khi triển khai tới đây 4.000 quân từ tháng Giêng đầu năm nay. 100 binh lính Pháp đã rời khỏi Mali. Ảnh: Presstv. |
Tham mưu trưởng quân đội Pháp cho biết 100 binh sĩ đầu tiên đã rời khỏi Mali để tới CH Cyprus (Síp), nơi họ sẽ ở lại 3 ngày trước khi trở về Pháp. Đây là những binh sĩ thuộc các đơn vị lính dù, được triển khai tới vùng chiến sự ác liệt Tessalit ở đông bắc Mali với sứ mệnh chống lại các tay súng Hồi giáo.
Theo kế hoạch, Pháp sẽ rút dần các binh sĩ ra khỏi Mali, nhưng vẫn để lại nước này khoảng 1.000 người để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và các tay súng Hồi giáo cực đoan. Pháp cũng cho biết đang chuẩn bị chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ gồm 6.300 binh sĩ châu Phi sẽ được triển khai tới nước này trong vài tuần tới.
Pháp đã gửi 4.000 bính sĩ tới Mali hồi tháng 1 để ngăn chặn các tay súng hồi giáo cực đoan từ phía bắc tiến vào thủ đô Bamako. Trong thời gian qua, các binh sĩ Pháp đã mở nhiều chiến dịch lớn truy quét các c ăn c ứ hậu cần của lực lượng Hồi giáo vũ trang và đã đẩy lui lực lượng này khỏi hầu hết các căn cứ ở miền Bắc, mặc dù một số lượng đáng kể vẫn kháng cự tại thành phố Timbuktu và thành phố lớn nhất phía bắc Gao, thành trì của Phong trào độc tôn và thánh chiến Tây Phi (MUJAO).
Mali rơi vào xung đột sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure hôm 22/3/2012. Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và lực lượng người Touareq chiếm giữ các tỉnh phía bắc.
Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, chính phủ Pháp đã cấp tốc điều động binh sĩ đến Mali giúp chặn đứng các làn sóng tấn công "Nam tiến" của quân nổi dậy. Dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp, mặc dù các chiến dịch truy quét của binh sĩ Mali đã đạt được nhiều thành quả nhưng cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở đông bắc Mali, gây trở ngại lớn cho kế hoạch tiến hành bầu cử vào tháng 7 tới của Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore.
TTXVN/Tin Tức