Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, mở ra một không gian rộng lớn trong việc phát huy dân chủ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, các quy định của Hiến pháp chỉ đi vào cuộc sống khi được luật hóa. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã cung cấp thêm một số thông tin để làm rõ hơn về vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội thông qua, là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước về vị trí và vai trò của Hiến pháp trong đời sống xã hội. Hiến pháp đã công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với giá trị chung của nhân loại; phù hợp với xu thế chung của thời đại. Quốc hội thay mặt cho cử tri cả nước thông qua bản Hiến pháp để ghi nhận quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân trao một số quyền lực đó cho Nhà nước thực hiện. Đồng thời, các quyền con người, quyền cơ bản của công dân cũng được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp cũng quy định rõ, Nhà nước là người nắm quyền lực của nhân dân, phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người cho mọi công dân.
“Việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của nước ta từ năm 1946 đến nay, chứ không riêng bản Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, trong đó có điều kiện về phát triển kinh tế - xã hội, mà một số quy định về quyền cơ bản của công dân, của con người trong Hiến pháp năm 1992 chưa được cụ thể hóa bằng các luật”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận.
Bộ trưởng đánh giá, Hiến pháp năm 2013 là bước tiến lớn, được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nếu trong Hiến pháp năm 1992, quyền cơ bản và nghĩa vụ của công dân được quy định ở Chương 5 thì trong Hiến pháp năm 2013, tên gọi chương về quyền con người có sự thay đổi; quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được nâng lên và được quy định ngay tại Chương 2, sau chương về chế độ chính trị. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của quyền con người, quyền công dân. Thứ hai, Điều 14 của Chương 5 xác định hai nguyên tắc quan trọng là quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, Hiến pháp cũng khẳng định, những quyền cơ bản của con người, của công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và bảo đảm đạo đức của xã hội. Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 khác với Hiến pháp năm 1992 ở điểm Hiến pháp năm 2013 phân biệt rõ hơn về quyền con người, quyền công dân. Trong số 26 điều quy định trực tiếp về quyền con người, quyền công dân thì có đến 15 điều quy định về quyền con người…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, Hiến pháp năm 2013 không những kế thừa, phát triển, làm sâu sắc hơn Hiến pháp 1992, mà còn mở rộng, phát triển, bổ sung các quyền khác. Tới đây, có nhiều luật, bộ luật sẽ được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Những luật, bộ luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ được ban hành trong năm 2015 và năm 2016.
Trọng Thủy