Phát huy sức dân để xây dựng nông thôn mới

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, diện mạo nhiều vùng quê ở Bắc Kạn giờ đây đã thay đổi rõ rệt.

Con đường dẫn vào thôn Nà Bưa và Khuổi Slặt, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã được bê tông hóa, giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Chị Doanh Thị Ngân, Trưởng thôn Nà Bưa cho biết: Con đường vừa mới hoàn thành nhờ sự đồng lòng nhất trí của người dân trong thôn. Được Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn hỗ trợ 80 triệu đồng, mới đầu người dân còn lo lắng không đủ tiền làm đường; nhưng sau khi họp bàn, thôn đã quyết định không thuê doanh nghiệp, mà vận động người dân cùng chung sức làm đường. Khi khởi công, Đoàn thanh niên Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn xuống giúp sức, nên chỉ trong hai ngày, con đường dài gần 200 m, rộng 2,5 m, đã được hoàn thành trong niềm vui chung của mọi người.

Những con đường liên xóm đổ bê tông được làm từ công sức của đồng bào.

Cũng như người dân thôn Nà Bưa, người dân thôn Khuổi Slặt đã hiến đất, công sức, tiền của để làm tuyến đường bê tông dài gần 600 m, rộng hơn 3 m dẫn vào thôn. Anh Nông Công Thụy, cán bộ địa chính, xây dựng UBND xã Thượng Ân cho biết: “Trước đây xã đã có chủ trương làm đường vào 2 thôn Khuổi Slặt và Nà Bưa, tuy nhiên khi cho đơn vị thiết kế vào khảo sát, đo đạc và mời các đơn vị vào thầu thì giá rất cao, nên không thể làm được. Người dân tự hạch toán, tự làm, tự giám sát, giá chỉ còn một nửa và chất lượng con đường khá tốt. Thời gian làm đường cũng được rút ngắn, chỉ còn hơn 10 ngày. Nếu tính công sức, thì người dân đã đóng góp một nửa giá trị con đường”.

Thôn Đồng Tâm và Hát Luông xã Kim Lư, huyện Na Rì, cũng hưởng ứng nhiệt tình chương trình xây dựng nông thôn mới và hiến đất làm đường. Nhìn những con đường bê tông sạch đẹp nối vào ngõ của từng nhà, không ai nghĩ đây là thôn vùng cao của xã Kim Lư. Các tuyến đường liên thôn, nội đồng cũng đã được bê tông hóa. Ông Trương Quang Trọng, Chủ tịch UBND xã Kim Lư cho biết: Để có được những con đường bê tông, hầu hết các hộ dân trong thôn đã hiến đất, tự nguyện đóng góp để hỗ trợ các hộ dân mất đất. Nhiều tuyến đường, công trình người dân còn tự giải phóng mặt bằng và tham gia lao động với ngày công bằng 30% giá trị công trình. Khi người dân tự làm, tự hạch toán thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Chính quyền chỉ đứng ra giúp đỡ một số mặt.

Bên cạnh việc tham gia xây dựng công trình hạ tầng, đồng bào còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập.

Thông thường các địa phương đều vận dụng phương châm Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30%, để làm giao thông nông thôn. Tuy nhiên, ở Kim Lư, người dân tự nguyện đóng góp 70% kinh phí còn Nhà nước hỗ trợ 30%. “Trong khi một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới thì ở xã Kim Lư, người dân luôn sẵn sàng tham gia vào phong trào, kể cả việc chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống của người dân”, đại diện xã kim Lư cho biết.

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng thuận cao của người dân, tin rằng phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn sẽ góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, theo chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bài và ảnh: Mạnh Hà
Quảng Trị trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Quảng Trị trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

UBND tỉnh Quảng Trị ngày 17/3, tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN