Con đường khang trang, sạch đẹp với hàng cau xanh rợp bóng mát góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn mới Tân Trụ, Long An. Ảnh: Trường Giang-TTXVN |
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến hết tháng 2/2016, cả nước có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 19,7%); bình quân tiêu chí/xã đạt 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 2,9 tiêu chí so với đầu năm 2015. Cả nước có 17 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt nông thôn mới và 7 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng công nhận.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là đã hoàn thành chỉ tiêu cơ bản của giai đoạn 1 đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn mới của Chương trình giai đoạn 2016-2020 với sự phát triển về chất cho vùng nông thôn được hình thành và xuất hiện những mô hình điểm về nông thôn mới ở nhiều địa phương trong cả nước...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại như sự chênh lệch về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền ngày càng lớn. Điển hình như tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới của vùng Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng sông Hồng là 42,8% còn vùng miền núi phía Bắc mới chỉ có 9,1% và Tây Nguyên là 15,5%...; phát triển sản xuất tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún khó áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật...
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp còn nhiều điểm vướng mắc; vẫn còn tồn tại biểu hiện chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương vẫn chưa có những giải pháp xử lý dứt điểm; thiếu các mô hình xử lý môi trường hiệu quả…
Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đó là đến năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 50%, mỗi tỉnh, thành có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tiêu chí mỗi xã trên cả nước bình quân đạt 15 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã…
Để đạt các mục tiêu trên, giai đoạn 2016-2020, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã đề ra các giải pháp chủ yếu như tạo động lực cho các xã đặc biệt khó khăn vươn lên, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi; làm tốt cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện chương trình, cơ chế quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp ở địa phương; tăng cường năng lực về xây dựng nông thôn mới ở các cấp và cải thiện môi trường nông thôn…
Ngay trong năm 2016, dự kiến nguồn vốn huy động của cả nước cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là 263.127 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương bố trí khoảng 7.374 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng Chương trình giai đoạn 2016-2020 như cơ chế, chính sách đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, cơ chế phân bổ, giám sát nguồn vốn thực hiện Chương trình, phương thức hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị để phát triển các làng nghề nông thôn, du lịch sinh thái… Tại hội nghị, một số tỉnh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương để các đơn vị học tập, rút kinh nghiệm.