Đây là nội dung được nêu ra tại Hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2019 giữa hai cơ quan này, tổ chức ngày 12/3 tại Hà Nội.
Năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức triển khai các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày Vì người nghèo”… Đồng thời, phối hợp tích cực hơn nữa trong tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chú trọng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn.
Hai cơ quan phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi với Đảng, Nhà nước; tổng hợp, báo cáo kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp của Quốc hội, để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.
Hai bên phối hợp tổ chức thực hiện giám sát, kiểm tra liên quan đến chính sách cho người có uy tín vùng dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp tại các địa phương…
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, công tác phối hợp theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong việc tham gia xây dựng chính sách; tham gia các hội nghị, hội thảo và tham gia kiểm tra ở một số địa phương, nhất là việc hai bên cùng phối hợp trong công tác lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng và phát huy hơn 34 nghìn người có uy tín là người dân tộc thiểu số ở các khu dân cư.
Chương trình phối hợp được quán triệt, triển khai đến các tỉnh, thành phố bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với tình hình của các địa phương và các vùng miền; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác dân tộc hiện nay.
Thông qua triển khai, thực hiện chương trình phối hợp, bước đầu đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Dân tộc các cấp trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo động lực để đồng bào các dân tộc vươn lên thoát khỏi tình trạng khó khăn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo chỉ ra còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan này như kết quả, hiệu quả tổ chức thực hiện chương trình phối hợp chưa đồng đều, còn chung chung, chưa xác định rõ nội dung, biện pháp để tổ chức thực hiện một cách cụ thể, phù hợp.
Công tác kiểm tra, chỉ đạo điểm còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong từng lĩnh vực cụ thể; chưa kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu để khích lệ việc tổ chức thực hiện chương trình ở cơ sở. Ngoài ra, còn thiếu mô hình chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phối hợp để 2 cơ quan nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị: Để công tác phối hợp hiệu quả hơn nữa, hai cơ quan cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua. Từ cấp Trung ương đến từng địa phương, từng xã, phường, thị trấn, khu dân cư cần đẩy mạnh hơn nữa những nội dung liên quan đến thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giảm nghèo bền vững; vấn đề đời sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, đặc biệt tập trung vào những nội dung giúp đồng bào dân tộc vươn lên vượt khó, thoát nghèo bền vững, phát triển sản xuất kinh doanh…
Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc hiểu được, để tin vào Đảng, Nhà nước. Trong công tác này, không phải Mặt trận Tổ quốc mà toàn bộ 47 tổ chức thành viên của mặt trận phải triển khai tại các địa phương để tạo thành sức mạnh tổng hợp, dựa vào sức mạnh tổng hợp này để đạt hiệu quả cao nhất - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.