Kết quả nghiên cứu, trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong 6 năm đã khẳng định cây cao su có thể phát triển tốt trên một số địa bàn của Lai Châu và đây là một giải pháp tốt nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn.
Bài 1: Xóa nghèo cho đồng bào vùng cao
Tính đến nay, tỉnh Lai Châu đã trồng được hơn 11.000 ha cây cao su, chủ yếu ở các huyện biên giới Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn và Than Uyên. Dự kiến từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có từ 25.000 - 30.000 ha cây cao su; góp phần ổn định đời sống đồng bào dân tộc.
Cây giảm nghèo bền vững
Chúng tôi đến xã Nậm Tăm, huyện biên giới Sìn Hồ, nơi bạt ngàn những dãy cao su xanh mướt đang căng mình tràn đầy nhựa sống. Cây cao su trên vùng đất này đã được các công nhân của Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đưa vào trồng từ 5 năm trước. Thân cây giờ đã khá to, tán cây đã cao quá đầu người.
Công nhân dọn cỏ, làm sạch thượng bì cho cây cao su. |
Năm 2009, gia đình anh Lò Văn Dèn, bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm đã góp hơn 20 ha đất vào Công ty cổ phần Cao su Lai Châu để trồng cao su. Và cũng từ đó, anh trở thành công nhân của công ty. Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định hơn. Anh Dèn phấn khởi nói: “Trước đây kinh tế gia đình chỉ dựa vào ít đất trồng ngô và lúa, số đất còn lại cũng không canh tác được là mấy, kinh tế thực sự khó khăn. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình đã góp đất trồng cao su. Công ty nhận vào làm vừa có công việc thường xuyên, vừa có thu nhập ổn định, gia đình rất yên tâm”.
Đến những đồi cao su đang dần phủ kín đồi trọc, dễ dàng bắt gặp cảnh đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc trong màu áo công nhân cao su. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, sinh sống dựa vào núi rừng, giờ đây, họ không những thay đổi nhận thức, tác phong làm việc mà còn được nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần.
Gia đình chị Sìn Thị Hoan, dân tộc Mảng, bản Pa Bon, xã Nậm Pì, huyện biên giới Nậm Nhùn đã mạnh dạn góp 3 ha đất và được nhận vào làm tại Công ty cổ phần Cao su Lai Châu 2. Trước kia, cuộc sống của gia đình chị chỉ dựa vào củ sắn, bắp ngô, nghèo đói quanh năm. Người chồng không có việc làm nên suốt ngày đắm chìm trong men rượu. Hai năm trở lại đây, hai vợ chồng chị được Công ty cao su nhận vào làm với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, gia đình đã thoát nghèo. Chị Sìn Thị Hoan cho biết: “Làm công nhân cao su đã giúp tôi có điều kiện lo cho con cái ăn học. Nhờ có công việc ổn định, chồng tôi đã tu chí làm ăn, không còn uống rượu nữa”.
Chính quyền các cấp cùng vào cuộc
Ông Lê Tiến Tình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu cho biết: “Công ty đã trồng khoảng 6.300 ha cây cao su; tạo công ăn việc làm cho trên dưới 1.800 công nhân, với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/tháng. Công nhân được hưởng đầy đủ các quyền lợi, được đóng các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần”.
Để cây cao su “đâm chồi, nảy lộc” tại Lai Châu, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã cùng nhau vào cuộc để khuyến khích người dân tham gia, xây dựng cơ chế góp vốn và phân chia lợi nhuận cụ thể. Các hộ gia đình và cá nhân tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng các quyền lợi theo hợp đồng góp đất với doanh nghiệp. Tỷ lệ chia sản phẩm là 10% trên sản lượng vườn cây khi khai thác (trước vận chuyển và chế biến). Hiện nay, các huyện trên địa bàn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình tham gia góp đất bằng quyền sử dụng đất. Tính đến cuối năm 2013, đã cấp được hơn 3.100 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để họ yên tâm trồng cây cao su…
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu nhận định: “Cùng với cây chè, cao su đang là cây cứu cánh cho đồng bào dân tộc vùng cao ở Lai Châu. Phần lớn người dân Lai Châu đã nhận thức được lợi ích của việc trồng cây cao su, nên đồng thuận và ủng hộ cao. Họ tích cực tham gia góp đất, nhận khoán khai hoang, trồng, chăm sóc và bảo vệ cao su, đặc biệt là người dân vùng tái định cư. Tận dụng diện tích đất trồng cao su, nhiều hộ gia đình đã kết hợp trồng xen các loại cây ngắn ngày như đậu, lạc, đỗ và lúa nương để giải quyết vấn đề lương thực”.
Bài và ảnh: Quang Duy
Bài cuối: Còn nhiều gian khó