Hiện nay, Lai Châu đã có khoảng 2.000 ha cây quế. Các khu vực dọc hai bên bờ sông Đà, sông Nậm Na và khu vực thung lũng sông Nậm Mu, thuộc các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, đã được quy hoạch để phát triển, mở rộng diện tích cây trồng này...
Nông dân xã Nậm Sỏ phát triển diện tích cây quế. |
Đối với các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia trồng quế; được tỉnh hỗ trợ một lần 100% giá giống trồng mới; hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho việc chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất. Đối với các công ty, doanh nghiệp có dự án được phê duyệt hoặc có quyết định giao đất, tham gia vào phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh thì được hỗ trợ theo Nghị định số 210 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, ở cây trưởng thành có thể cao trên 15 m. Bộ rễ của quế phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ bàng lan rộng, đan chéo nhau nên quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc. Khoảng 8 đến 10 tuổi thì quế bắt đầu ra hoa. Quế ra hoa vào tháng 4 - 5 và quả chín vào tháng 1, tháng 2 năm sau... Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế sau 6 - 7 năm trồng có thể khai thác bóc vỏ. Vỏ quế là nguồn đặc sản xuất khẩu có giá trị. Gỗ quế có màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, có thể dùng đóng đồ gia dụng, làm nhà.