Mô hình du lịch này ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn thắng cảnh và tìm hiểu các nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Du khách đến thăm và lưu trú tại gia đình ông Nông Văn Pảo, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. |
Ở Lâm Bình, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình và là nơi lưu giữ
những giá trị văn hóa truyền thống của đặc sắc của các dân tộc thiểu số
trên địa bàn. Bên cạnh đó, diện tích nước hồ thủy điện Tuyên Quang rộng
trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình có trên 4.000 ha đã trở thành một vùng
hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người. Lâm
Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác như: Động Song Long, thác Khuổi
Nhi, thác Khuổi Súng, di tích khảo cổ Hang Phia Vài…
Trước đây, gia đình bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình chưa hề nghĩ đến việc làm du lịch. Từ khi có nhiều đoàn khách đến Lâm Bình có nhu cầu nghỉ lại, cùng ăn, cùng nghỉ và sinh hoạt cùng gia đình, gia đình bà đã quyết định vay vốn ngân hàng để sửa lại nhà sàn truyền thống, chỉnh trang khuôn viên của ngôi nhà, tiếp đón khách du lịch.
Để phục vụ du khách, gia đình bà còn mời thêm một số thành viên trong xã có năng khiếu hát then, hát cọi, đánh đàn tính lập thành đội văn nghệ. Gia đình bà đã đầu tư mua sắm được 4 chiếc thuyền chở khách du lịch đi thăm quan cảnh đẹp trên vùng lòng hồ và làm thêm một nhà nổi trên hồ để phục vụ du khách có nhu cầu ăn, nghỉ ngay trên khu vực hồ thủy điện. Từ những hoạt động du lịch như vậy, những năm gần đây, gia đình bà đã có một khoản thu nhập ổn định.
Gia đình bà Triệu Thị Xướng bắt đầu tham gia chương trình du lịch cộng đồng từ năm 2014 với giá dịch vụ ngủ lại qua đêm là 80.000 đồng/du khách, ăn trưa và tối đều với giá 80.000 - 100.000 đồng/người, tùy theo thực đơn, gia đình sẽ đáp ứng theo yêu cầu của du khách. Ngày cao điểm, gia đình bà Triệu Thị Xướng đón tiếp trên 30 du khách.
Cũng như gia đình bà Triệu Thị Xướng, gia đình ông Nông Văn Pảo, thôn Nà
Đông, xã Thượng Lâm bắt tay vào làm homestay từ năm 2015. Căn nhà sàn
truyền thống 24 cột, 5 gian, 2 trái được xây dựng từ năm 1971 của gia
đình ông Pảo đang là điểm đến ưa thích của du khách.
Từ mô hình
của gia đình bà Triệu Thị Xướng và ông Nông Văn Pảo, Ban hỗ trợ kinh
doanh nông nghiệp huyện Lâm Bình đã khảo sát, hỗ trợ 16 hộ tại các xã
Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can có điều kiện tham gia phát triển du lịch
cộng đồng. Huyện đã tổ chức cho các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm
phát triển du lịch cộng đồng tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh
Hà Giang.
Đội văn nghệ Làng văn hóa dân tộc Cao Lan luyện tập để phục vụ du khách tham quan. |
Để phát triển du lịch homestay hiệu quả và bền vững, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Huyện có diện tích tự nhiên hơn 78.150 ha, với số dân hơn 30.000 người gồm hơn 10 dân tộc sinh sống, trong đó người Tày chiếm số đông. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch lại các vùng du lịch, chú trọng phát triển và tái tạo lại các giá trị văn hóa của các dân tộc đã bị mai một và hướng dẫn người dân làm du lịch bền vững.
Huyện Lâm Bình khảo sát, xây dựng, triển khai tổ chức các làng du lịch cộng đồng homestay trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện cần thiết phục vụ du khách, gắn với tour, tuyến du lịch, sản xuất các sản phẩm lưu niệm đặc thù địa phương.
Huyện chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống; tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc truyền thống... tại các điểm du lịch cộng đồng. Huyện kiên quyết không để các hộ xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, các công trình phụ... không đúng bản sắc truyền thống hoặc phá vỡ cảnh quan, môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tập huấn để các hộ dân biết hướng dẫn khách có thể tham gia các công đoạn của nghề dệt; từng bước khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, tạo sản phẩm từ bông nguyên bản bán cho du khách. Huyện còn thành lập đội văn nghệ (mỗi thôn, bản từ 1 đến 2 đội), tổ chức tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống…